Bước đột phá trong nghiên cứu các loại thuốc giúp kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư vú
04/06/2025
10 Lượt xem
Ung thư vú đang trở thành căn bệnh đáng lo ngại với tỷ lệ mắc ngày càng tăng tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trước thách thức ấy, giới khoa học không ngừng nỗ lực nghiên cứu, và mới đây đã ghi nhận những tín hiệu tích cực từ các loại thuốc mới.
Một nghiên cứu quốc tế cho thấy việc dùng thuốc Camizestrant của AstraZeneca giúp giảm đến 56% nguy cơ bệnh tiến triển hoặc nguy cơ tử vong ở bệnh nhân ung thư vú.
Theo Hãng tin Reuters, phương pháp xét nghiệm máu mới kết hợp với thuốc mới của hãng dược AstraZeneca là bước tiến hứa hẹn trong điều trị ung thư.
Kết quả nghiên cứu được giới thiệu tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Mỹ (ASCO), diễn ra tại thành phố Chicago, bang Illinois. Theo đó, loại thuốc đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối Camizestrant đã cho thấy khả năng giảm hơn 50% nguy cơ khối u phát triển hoặc gây tử vong ở bệnh nhân ung thư vú.
Cùng với việc thử nghiệm thuốc, các nhà khoa học lần đầu tiên áp dụng phương pháp xét nghiệm máu cải tiến, gọi là sinh thiết lỏng (liquid biopsy) hay xét nghiệm ADN khối u lưu hành (ctDNA) để phát hiện sớm đột biến gene ESR1. Đây là dấu hiệu quan trọng cho thấy bệnh nhân có khả năng kháng thuốc, dù hình ảnh học chưa phát hiện được sự tiến triển của khối u.
Thuốc điều trị ung thư mới mở ra nhiều hy vọng cho bệnh nhân. Ảnh minh họa
Nghiên cứu được thực hiện trên 3.256 bệnh nhân ung thư vú HR dương tính/ HER2 âm tính (HR+/HER2-). Trong số này, 315 người được phát hiện có đột biến ESR1 qua xét nghiệm máu và được chuyển sang điều trị bằng Camizestrant kết hợp với thuốc ức chế CDK4/6.
Kết quả cho thấy nhóm bệnh nhân này có thời gian bệnh không tiến triển trung bình 16 tháng, so với chỉ 9,2 tháng ở nhóm tiếp tục điều trị theo phác đồ tiêu chuẩn.
Camizestrant hiện chưa được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt. Tuy vậy, các chuyên gia đánh giá dữ liệu từ nghiên cứu này có thể làm thay đổi hướng tiếp cận điều trị ung thư vú trong tương lai.
Tiến sĩ Eleonora Teplinsky, bác sĩ tại Trung tâm Ung thư toàn diện Valley-Mount Sinai, nhận định: “Khi bệnh nhân có tiến triển rõ trên hình ảnh học, nghĩa là ta đã chậm một bước. Chuyển đổi điều trị sớm sẽ giúp chúng ta đón đầu diễn biến của bệnh”.
Cũng tại hội nghị ASCO, một nghiên cứu khác cho thấy việc bổ sung thuốc miễn dịch Imfinzi (durvalumab) của AstraZeneca vào phác đồ hóa trị trước và sau phẫu thuật ở bệnh nhân ung thư dạ dày - thực quản giai đoạn đầu giúp giảm đáng kể nguy cơ tái phát, đồng thời cải thiện 29% thời gian sống không biến cố.
Cả hai công trình nghiên cứu đều đã được công bố trên tạp chí y học New England và được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi thực hành lâm sàng trong điều trị ung thư.
Giám đốc điều hành AstraZeneca, ông Pascal Soriot, cho biết công ty đang xem xét điều chỉnh các hướng điều trị hiện tại để tích hợp những đổi mới tiềm năng này.
Tương tự, trong một thử nghiệm lâm sàng gần đây do các nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge (Anh) dẫn đầu, tất cả bệnh nhân được điều trị bằng kết hợp giữa hóa trị và một loại thuốc nhắm trúng đích trước phẫu thuật đều sống sót trong khoảng thời gian ba năm sau điều trị.
Công bố trên tạp chí Nature Communications, nghiên cứu này cho thấy phương pháp mới có thể trở thành liệu pháp hiệu quả nhất từ trước đến nay đối với ung thư vú giai đoạn sớm liên quan đến các đột biến gene BRCA1 và BRCA2. Các dạng ung thư di truyền này nổi tiếng là khó điều trị và từng thu hút sự chú ý rộng rãi vào năm 2013 khi nữ diễn viên Angelina Jolie, người mang gene BRCA1, đã lựa chọn phẫu thuật phòng ngừa.
Thử nghiệm do Bệnh viện Addenbrooke, thuộc Quỹ NHS của Bệnh viện Đại học Cambridge (CUH) và Đại học Cambridge dẫn đầu, với bệnh nhân được tuyển chọn từ 23 cơ sở của NHS trên khắp Vương quốc Anh.
Trong số 39 bệnh nhân được điều trị, chỉ có một người tái phát sau ba năm kể từ ngày phẫu thuật, và 100% bệnh nhân sống sót. Những phát hiện này có khả năng được áp dụng cho các loại ung thư khác do đột biến gene BRCA gây ra, chẳng hạn như một số loại ung thư buồng trứng, tuyến tiền liệt và tuyến tụy. Phương pháp mới cũng có thể mang lại lợi ích tiết kiệm chi phí cho NHS.
Giáo sư Jean Abraham, bác sĩ điều trị tại Addenbrooke và là người đứng đầu thử nghiệm, cho biết việc đạt được tỉ lệ sống sót 100% trong một nghiên cứu như thế này và đối với các dạng ung thư ác tính là điều hiếm thấy.
Liên quan tới tình trạng ung thư vú, theo một thống kê cho thấy có đến 58% số ca tử vong do ung thư trên toàn cầu xảy ra ở Châu Á, trong đó các loại ung thư phổ biến và gây tử vong cao nhất là ung thư phổi, vú, đại trực tràng, gan và dạ dày. Khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên dự kiến sẽ đạt 25% vào năm 2050, gánh nặng ung thư ở các nước Châu Á dự kiến sẽ tăng đáng kể.
Ung thư vú là nguyên nhân gây tử vong do ung thư đứng thứ hai ở phụ nữ Châu Á và chiếm 39% tổng số ca ung thư vú trên toàn thế giới. Mặc dù tỷ lệ mắc ung thư vú ở Châu Á vẫn thấp hơn ở phương Tây, nhưng có dấu hiệu cho thấy các trường hợp đang gia tăng - ngoài ra, từ 2 đến 25% bệnh nhân ung thư vú trong khu vực có biểu hiện ung thư vú di căn ngay từ đầu, so với 3 đến 10% bệnh nhân ở Hoa Kỳ và Châu Âu. Ung thư vú cũng chiếm đến 8,3% tổng số ca tử vong do ung thư tại Việt Nam mỗi năm.
Quy định về thử thuốc trên lâm sàng
Theo Thông tư Số: 29/2018/TT-BYT quy định về thử thuốc trên lâm sàng do Bộ Y tế ban hành quy định về việc ban hành, áp dụng Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng; đánh giá việc đáp ứng Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng và hồ sơ, quy trình thử thuốc trên lâm sàng.
Các hoạt động thử thuốc trên lâm sàng có liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh ngoài việc tuân thủ quy định tại Thông tư này còn phải tuân thủ các quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
Cơ sở thử thuốc trên lâm sàng triển khai áp dụng và đáp ứng GCP (Good Clinical Practice – Thực hành lâm sàng tốt) theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này và tài liệu cập nhật.
Trường hợp cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc và các cơ sở có hoạt động nhận thử tương đương sinh học của thuốc không vì mục đích thương mại không đáp ứng GCP đối với giai đoạn nghiên cứu trên lâm sàng thì phải ký hợp đồng hoặc văn bản liên kết với cơ sở thử thuốc trên lâm sàng đáp ứng GCP quy định tại Thông tư này và tài liệu cập nhật để thực hiện giai đoạn nghiên cứu trên lâm sàng.
Cơ sở thử thuốc trên lâm sàng áp dụng tài liệu GCP cập nhật theo quy định tại Thông tư này trong thời hạn 12 tháng đối với trường hợp có yêu cầu thay đổi về cơ sở vật chất phục vụ việc thử thuốc hoặc 06 tháng đối với cập nhật khác, tính từ thời điểm tài liệu cập nhật.