Nghiên cứu điều chế dược chất phóng xạ 18F-fluorothymidine (18F-FLT) phục vụ ghi hình PET/CT
09/04/2025
7 Lượt xem
Đồng vị phóng xạ (ĐVPX) được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khoa học và đời sống, trong đó một số ít được sử dụng trong y học dưới dạng dưới chất phóng xạ (DCPX) và đóng vai trò rất quan trọng trong nghiên cứu, đánh giá các quá trình sinh bệnh lý và chuyển hóa của cơ thể nhằm mục đích chẩn đoán và điều trị. Các ĐVPX sử dụng trong y học được sản xuất từ lò phản ứng hạt nhân, máy gia tốc cyclotron và bình phát xạ. Ở Việt Nam, DCPX đã được sử dụng từ lâu và được quản lý dưới dạng hóa chất. Gần đây, vào năm 2017 DCPX được quản lý theo chuyên mục DCPX theo thông tư 20 của Bộ Y tế. Việc sản xuất, nghiên cứu phát triển các DCPX trong nước còn bất cập do hạn chế về trang thiết bị, nguồn nhân lực thiếu và yếu. Trong những năm gần đây, nhà nước đã có những chính sách và đầu tư ngân sách phù hợp để thúc đẩy khả năng tự sản xuất DCPX trong nước, trong đó có dự án máy gia tốc 30 MeV, bắt đầu hoạt động từ năm 2009.
Kỹ thuật ghi hình ghi hình phát bức xạ positron (positron emission tomography - PET) khi được kết hợp với kỹ thuật ghi hình cắt lớp vi tính (computed tomography - CT) thành kỹ thuật PET/CT. Đây là kỹ thuật ghi hình hiện đại trong y học hạt nhân và lần đầu tiên được sử dụng ở Việt Nam năm 2009. Hiện nay, ở Việt Nam mới chỉ triển khai được kỹ thuật ghi hình PET với 18F-FDG - DCPX phổ biến nhất. Tuy nhiên, kỹ thuật này có thể gây dương tính giả vì 18F-FDG tăng hấp thu ở các vị trí viêm hay các cơ quan tổ chức sau phẫu thuật hoặc âm tính giả với các khối u ở các cơ quan, tổ chức không tăng chuyển hoá đường...Vì vậy, cần phải có các DCPX có cơ chế hấp thu, chuyển hóa và nhắm các đích khác 18F-FDG nhằm khắc phục những hạn chế của nó, trong đó có 18F-fluorothimidine (18F-FLT). 18FFLT là một DCPX cho PET lần đầu tiên được tổng hợp vào năm 1991, là DCPX có nhiều tiềm năng trong ghi hình PET không xâm lấn nhằm đánh giá quá trình tăng sinh tế bào trong các khối u ác tính và cơ quan tổ chức cơ thể người. Điều này rất có ý nghĩa vì 18F-FLT PET có thể xác định vị trí, kích thước và độ ác tính của khối u mà. Bên cạnh đó, 18F-FLT PET cũng được sử dụng để dự đoán và theo dõi khả năng đáp ứng của các liệu pháp điều trị ung thư. Với sự ra đời của các hóa chất điều trị đích tế bào, rất cần các phương pháp mới nhằm đánh giá đáp ứng sinh học của khối u vì những thay đổi về kích thước khối u và hình ảnh giải phẫu không cung cấp đủ thông tin cho đánh giá kết quả điều trị. Do vậy, các nhà lâm sàng cần các phương pháp đánh giá hiệu quả điều trị theo các tiêu chí khác hơn là việc xác định lại kích thước khối u sau điều trị. Ngoài ra, việc tăng hấp thu 18F-FDG ở trong một khối u cũng chưa cung cấp đủ thông tin về mức độ ác tính cũng như đánh giá đáp ứng điều trị của khối u đó. Do đó, các kỹ thuật ghi hình nhắm tới con đường tổng hợp DNA trong các mô tăng sinh tế bào đã và đang được phát triển, trong đó có 18F-FLT PET. 18F-FLT có chu kỳ bán rã xấp xỉ 110 phút và có khả năng tham gia vào con đường tăng sinh tổng hợp nhân tế bào, ổn định hơn về mặt sinh học so với các DCPX cùng loại được đánh dấu với ĐVPX 11C (xấp xỉ 20 phút).
Dựa trên những ưu điểm và tiềm năng ứng dụng trong lâm sàng của DCPX 18F-FLT, điều kiện về cơ sở vật chất tại trung tâm máy gia tốc- bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Chủ nhiệm đề tài Thạc sĩ Nguyễn Khắc Thất cùng nhóm nghiên cứu tại Bệnh viện TƯQĐ 108 thực hiện “Nghiên cứu điều chế dược chất phóng xạ 18F-fluorothymidine (18F-FLT) phục vụ ghi hình PET/CT” với mục tiêu: Xây dựng quy trình điều chế DCPX 18F-FLT; Điều chế DCPX 18F-FLT đạt tiêu chuẩn Dược điển Châu Âu.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
1. Nhóm nghiên cứu đã thiết kế và chế tạo thành công module tổng hợp DCPX 18F–FLT tự động hoàn toàn trên bộ kít sử dụng một lần.
2. Xây dựng hoàn chỉnh quy trình tổng hợp DCPX 18F-FLT tự động trên module được nhóm nghiên cứu của đề tài KC.05.23/16-20 phát triển với quy mô 120 mCi/mẻ, hiệu suất tổng hợp > 20% và tỷ lệ thành công > 90%.
3. Xây dựng được quy trình kiểm tra chất lượng 18F-FLT theo tiêu chuẩn chất lượng của Dược điển châu Âu 2014. Kết quả kiểm nghiệm sản phẩm cho thấy độ tinh khiết hóa phóng xạ là >99,9% và độ tinh khiết hạt nhân > 99,9%. Các tạp chất hóa học chủ yếu chỉ xuất hiện Tetrabutylamonium < 50 µg/mL, Thymine 5,7 ± 1,7 µg/mL, Thymidine 12,4 ± 2,0 µg/mL, Ethanol 78,7 ± 9,1 µg/mL nhỏ hơn nhiều so với yêu cầu. Trong khi các tạp chất hóa học khác đều dưới ngưỡng đo. Các chỉ tiêu khác của thuốc tiêm như endotoxin và vô khuẩn đều đạt yêu cầu.
4. Dược chất phóng xạ 18F-FLT trong nghiên cứu này cho thấy không gây độc tính cấp trên chuột với liều gấp 100 lần quy đổi liều trên người (17mg/kg). Khảo sát được phân bố phóng xạ của 18F-FLT trên chuột cho thấy 18F-FLT hấp thu tại não là rất thấp, tập trung cao nhất ở thận, đài bể thận, bàng quang, lách, tủy xương. Kết quả ghi hình 18F-FLT PET/CT trên thỏ gây viêm cho thấy 18F-FLT không hấp thu vào tổ chức viêm. Kết quả ghi hình 18F-FLT PET/CT trên chuột gây u phổi thứ phát dòng LLC trên đùi chuột nhắt chủng BALB/c cho thấy 18F-FLT ngoài hấp thu theo đặc điểm sinh lý còn có tăng hấp thu vào khối u.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20759/2022) tại Cục Thông tin,Thống kê.