Tổ chức xác nhận giá trị sử dụng và kiểm tra xác nhận đảm bảo khách quan theo TCVN ISO/IEC 17029:2020
29/04/2025
10 Lượt xem
TCVN ISO/IEC 17029:2020 về “Đánh giá sự phù hợp - Nguyên tắc chung và yêu cầu đối với tổ chức xác nhận giá trị sử dụng và kiểm tra xác nhận” là tiêu chuẩn bao gồm nguyên tắc chung, yêu cầu đối với năng lực, hoạt động nhất quán và tính khách quan của các tổ chức thực hiện xác nhận giá trị sử dụng/kiểm tra xác nhận như một hoạt động đánh giá sự phù hợp.
Trong đó, xác nhận giá trị sử dụng và kiểm tra xác nhận trong đánh giá sự phù hợp được hiểu là việc xác nhận tính tin cậy của thông tin nêu trong công bố. Hai hoạt động này được phân biệt theo mốc thời gian của công bố được đánh giá.
Xác nhận giá trị sử dụng áp dụng với công bố liên quan đến mục đích sử dụng dự kiến trong tương lai hoặc kết quả dự kiến (xác nhận tính hợp lý), còn kiểm tra xác nhận áp dụng cho các công bố liên quan đến sự kiện đã xảy ra hoặc kết quả đã đạt được (xác nhận tính đúng đắn).
Quản lý năng lượng là một trong những vấn đề có liên quan đến việc xác nhận giá trị sử dụng/kiểm tra xác nhận. (Ảnh minh họa)
TCVN ISO/IEC 17029:2020 nêu rõ nguyên tắc đối với tổ chức xác nhận giá trị sử dụng/kiểm tra xác nhận, bao gồm: Thứ nhất là tính khách quan - Quyết định đưa ra dựa trên bằng chứng khách quan thu được từ quá trình xác nhận giá trị sử dụng/kiểm tra xác nhận và không bị ảnh hưởng bởi lợi ích hoặc các bên khác;
Thứ hai là năng lực - nhân sự có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, đào tạo cần thiết hỗ trợ cho cơ sở hạ tầng và khả năng thực hiện một cách hiệu lực hoạt động xác nhận giá trị sử dụng/kiểm tra xác nhận;
Thứ ba là nguyên tắc bảo mật - thông tin bí mật thu được hoặc tạo ra từ hoạt động xác nhận giá trị sử dụng/kiểm tra xác nhận được bảo vệ và không được tiết lộ khi không thích hợp;
Thứ tư là công khai - tổ chức xác nhận giá trị sử dụng/kiểm tra xác nhận cần tạo sự tiếp cận công khai, hoặc đưa ra thông tin thích hợp về quá trình xác nhận giá trị sử dụng/kiểm tra xác nhận của mình;
Thứ năm là trách nhiệm - khách hàng của tổ chức xác nhận giá trị sử dụng/kiểm tra xác nhận, chứ không phải tổ chức xác nhận giá trị sử dụng/kiểm tra xác nhận, chịu trách nhiệm đối với công bố và sự phù hợp của công bố đó với các yêu cầu quy định được áp dụng. Tổ chức xác nhận giá trị sử dụng/kiểm tra xác nhận chịu trách nhiệm đưa ra tuyên bố xác nhận giá trị sử dụng/kiểm tra xác nhận dựa trên những bằng chứng khách quan đầy đủ và thích hợp.
Thứ sáu là khả năng đáp ứng khiếu nại - các bên quan tâm đến việc xác nhận giá trị sử dụng/kiểm tra xác nhận có cơ hội đưa ra khiếu nại. Những khiếu nại này được giải quyết và quản lý một cách thích hợp. Khả năng đáp ứng khiếu nại là cần thiết để chứng tỏ sự chính trực và tin cậy cho tất cả người sử dụng về kết quả xác nhận giá trị sử dụng/kiểm tra xác nhận.
Cuối cùng là nguyên tắc cách tiếp cận dựa trên rủi ro - Các tổ chức xác nhận giá trị sử dụng/kiểm tra xác nhận cần tính đến các rủi ro liên quan đến cung cấp một cách nhất quán, khách quan và có năng lực xác nhận giá trị sử dụng/kiểm tra xác nhận. Rủi ro có thể bao gồm, nhưng không giới hạn ở rủi ro liên quan đến: mục tiêu xác nhận giá trị sử dụng/kiểm tra xác nhận và các yêu cầu của chương trình; năng lực, tính nhất quán và trung thực cũng như tính khách quan được cảm nhận; các vấn đề pháp lý, quy định và trách nhiệm pháp lý; tính nhạy cảm của các thông số bất kỳ trong công bố tạo ra một tuyên bố sai đáng kể, ngay cả khi áp dụng hệ thống kiểm soát; kiểm soát rủi ro và cơ hội cải tiến;…
Một số lĩnh vực liên quan đến xác nhận giá trị sử dụng/kiểm tra xác nhận có thể kể đến như: phát thải khí nhà kính; quản lý năng lượng, quản lý tài chính, hệ thống tự động hóa trong công nghiệp, kỹ thuật phần mềm và hệ thống, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và trang thiết bị y tế, an toàn máy, kỹ thuật an toàn và thiết kế, trách nhiệm xã hội;…