Xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo: Khuyến khích khám phá, khoan dung thất bại
24/04/2025
9 Lượt xem
Bộ Chính trị đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ viết đề án quốc gia khởi nghiệp, nội dung chính là hình thành tinh thần đổi mới sáng tạo trong toàn dân, xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, khuyến khích khám phá, khoan dung thất bại.
Tại buổi lễ hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng với Việt Nam, Ngày Sáng tạo và Đổi mới không chỉ là ngày của nhà khoa học hay doanh nghiệp công nghệ, mà là ngày để tôn vinh tư duy sáng tạo của mọi người trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, khuyến khích tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới" trong toàn xã hội, kết nối sáng tạo và đổi mới với phát triển bền vững.
Đổi mới sáng tạo lan rộng hơn KHCN, nó bao trùm cả xã hội và thể chế. KHCN là một phần của Đổi mới sáng tạo quốc gia. Đổi mới sáng tạo quốc gia bao gồm đổi mới công nghệ, đổi mới mô hình kinh doanh, đổi mới quản trị quốc gia, đổi mới chính sách xã hội, đổi mới thể chế, đổi mới tổ chức giáo dục, y tế, giao thông, môi trường...
Đổi mới sáng tạo không cần đầu tư các phòng lab, mà cần tư duy đổi mới và văn hóa đổi mới. Đây chính là con đường khả thi hơn cho các nước chưa đủ tiềm lực nghiên cứu sâu nhưng có năng lực tổ chức, thích nghi và sáng tạo xã hội.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Lễ hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới.
Theo Bộ trưởng, các nước đi sau buộc phải nhảy cóc công nghệ. Tiếp thu công nghệ sẵn có, rồi cải tiến, tái tạo, ứng dụng sáng tạo theo ngữ cảnh địa phương. Đổi mới sáng tạo cho phép sáng tạo trong điều kiện hạn chế, rất phù hợp với bối cảnh của các nước đang phát triển.
“Các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra, đổi mới sáng tạo là chìa khoá để các nước đang phát triển thoát bẫy thu nhập trung bình, là cửa ngách mang tính chiến lược để các nước đang phát triển rút ngắn khoảng cách, tối ưu các nguồn lực hạn chế, và tạo ra giá trị thực tiễn từ những gì sẵn có để phát triển nhanh”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng cho biết Bộ Chính trị đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ viết đề án quốc gia khởi nghiệp, nội dung chính là hình thành tinh thần đổi mới sáng tạo trong toàn dân, đưa đổi mới sáng tạo trở thành lối sống, phong cách sống của mọi người dân, mọi tổ chức. Xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, khuyến khích khám phá, khoan dung thất bại.
Theo Bộ trưởng, cần xây dựng một hệ sinh thái ĐMST mà ở đó, doanh nghiệp có thể cải tiến sản phẩm phù hợp với thị trường trong nước, người dân có thể sáng tạo trong điều kiện thực tế của mình, nhà nước đóng vai trò kiến tạo môi trường, thể chế và động lực để đổi mới sáng tạo không bị cản trở, mà được khơi thông và lan toả.
Văn hoá đổi mới là văn hoá không ngừng học hỏi, dám thử nghiệm, liên tục cải tiến và thích ứng. ĐMST không cần phải đao to búa lớn mà có thể bắt đầu từ những cải tiến nhỏ, thiết thực trong đời sống hằng ngày. Dẫn chứng điển hình là Phần Lan là một quốc gia đổi mới thầm lặng, học hỏi liên tục và cải tiến vi mô. Đó là một xã hội học hỏi, xã hội ĐMST toàn dân. Phần Lan tin rằng, những cải tiến nhỏ từ 5 triệu người dân còn giá trị hơn phát minh từ 500 nhà khoa học, nói theo cách này thì cải tiến nhỏ từ 100 triệu người Việt Nam sẽ không kém gì 10.000 nhà khoa học.