Bà Rịa - Vũng Tàu: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn chuyển hướng chuyên sâu
16/11/2017
235 Lượt xem
Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” với mục tiêu tổng quát: “Bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, đào tạo, bồi dưỡng cho 100.000 lượt cán bộ, công chức xã. Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn (LĐNT) góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn…”. Riêng trong giai đoạn 2016-2020 cả nước thực hiện đào tạo nghề cho 6 triệu lao động nông thôn, trong đó, khoảng 1,4 triệu người học nghề nông nghiệp, 4,1 triệu người học nghề phi nông nghiệp (Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề trong giai đoạn này tối thiểu đạt 80%) và đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế-xã hội chuyên sâu cho khoảng 0,5 triệu lượt cán bộ, công chức xã.
Hiện nay, cả nước có hơn 30 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và mỗi năm có thêm khoảng 1 triệu người đến tuổi lao động. Như vậy, theo mục tiêu của đề án đã nêu, mỗi năm nước ta sẽ có khoảng 2 triệu lao động nông thôn cần được đào tạo nghề để chuyển đổi sang các ngành nghề phi nông nghiệp. Đây là một con số rất lớn và trong xu hướng phát triển hiện nay của nền kinh tế nước ta, thì đó là một đòi hỏi chính đáng, bức xúc và cần có hướng đào tạo nghề cho LĐNT một cách ổn định và đạt hiệu quả cao. Để các hoạt động đào tạo nghề cho LĐNT thực sự hiệu quả, tạo việc làm và góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn, trước hết cần xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một nhiệm vụ thiết thực, là cơ hội để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương, nâng cao chất lượng, năng suất lao động và góp phần nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Mặt khác, do tính đa dạng vùng miền và tính đặc thù của LĐNT (trình độ học vấn không đồng đều, lao động theo mùa vụ, thói quen canh tác …) nên việc tổ chức các khóa đào tạo phải rất linh hoạt về chương trình, hình thức và phương thức đào tạo. Hơn nữa, cần kịp thời đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp truyền đạt cho phù hợp với đối tượng người học và theo sát nhu cầu của thị trường lao động. Đồng thời, cần quan tâm đầu tư phát triển các cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn dưới nhiều hình thức: Cơ sở dạy nghề công lập, cơ sở dạy nghề tại các doanh nghiệp, tại các hợp tác xã, trang trại, nông lâm trường vùng chuyên canh, tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ và tại các cơ sở dạy nghề tiểu thủ công, mỹ nghệ…
Tại nhiều địa phương, các lớp dạy nghề theo “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” đã giúp người nông dân tiếp cận dần với phương thức sản xuất khoa học, hiện đại, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Việc đào tạo nghề chuyên sâu, gắn với công nghệ cao, giúp người nông dân ứng dụng được khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt đúng quy trình sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí, hạn chế sâu bệnh và tăng năng suất.
Lớp học nghề ngoài lý thuyết phải gắn với thực hành để người nông dân hiểu và nắm rõ quy trình sản xuất nông sản khoa học, sử dụng công cụ sản xuất hiện đại, giảm thiểu việc sử dụng hóa chất trên cây trồng, đồng thời cung cấp cho người nông dân kiến thức ứng phó với biến đổi khí hậu, tuyên truyền tác hại của việc sử dụng hóa chất tràn lan trong trồng trọt, chăn nuôi...