Mới đây Bình Định có xây dựng đề án thí điểm taxi bay (e-VTOL), Bộ Giao thông Vận tải sau đó đã có phản hồi cho rằng ủng hộ các địa phương nghiên cứu triển khai những loại hình phương tiện phù hợp, an toàn, trong đó có taxi bay, tạo phương thức giao thông tiên tiến, hiện đại để xây dựng hình ảnh, phát triển du lịch.
Ở góc độ tiêu chuẩn khi Việt Nam phát triển loại phương tiện này cần nhìn từ bài học của Mỹ và một số nước châu Âu, họ đưa ra những tiêu chuẩn rất cao vì liên quan đến yếu tố an toàn tính mạng con người. Tại Việt Nam hiện chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật riêng với taxi bay vì trong nước chưa có kinh nghiệm, thử nghiệm loại hình giao thông này. Do đó, khi triển khai thử nghiệm Việt Nam có thể tham khảo các bộ tiêu chuẩn theo khung quốc tế. Bộ tiêu chuẩn này liên quan đến an toàn bay, an toàn với thiết bị bay đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật...với các hồ sơ giấy tờ minh chứng. Việc này cần nhiều thời gian và cần được chuyên gia đầu ngành nghiên cứu, có thể điều chỉnh một số nội dung phù hợp với điều kiện trong nước.
Taxi bay của hãng Volocopter (Đức) đang thử nghiệm hoạt động trên sân. Ảnh: Volocopter
Việc thử nghiệm taxi bay cần một số điều kiện về hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, không như các loại máy bay cánh bằng, cần có sân bay rộng, hệ thống quản lý không lưu... taxi bay có đặc điểm cất, hạ cánh theo phương thẳng đứng nên khu vực thử nghiệm có thể diện tích nhỏ hơn, hoạt động khai thác không lưu thực hiện theo quy định hiện hành.
Trước hết cần thử nghiệm bay không tải ở một số khu vực quy định được đăng ký và quản lý vùng bay bởi Bộ Quốc phòng, tương tự thử nghiệm drone. Sau đó, trên cơ sở bay không tải có thể thực hiện thử nghiệm bay chở hàng hóa và chở người.
Về nghiên cứu phát triển, chế tạo taxi bay chở người cần yêu cầu kỹ thuật nhưng không quá khó trong thiết kế chế tạo ra sản phẩm có thể hoạt động. Tuy nhiên, vấn đề là các thiết bị an toàn tích hợp trong taxi bay cần đạt các tiêu chuẩn rất cao trong lĩnh vực hàng không. Hiện, Việt Nam chưa đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện việc này. Với tiêu chuẩn ngành hàng không, một taxi bay phải trải qua hàng nghìn giờ bay mới có thể xảy ra lỗi, còn một thiết bị nghiên cứu ra chỉ bay được vài trăm giờ bị lỗi thì đã xảy ra tai nạn. Điều này ảnh hưởng lớn đến vấn đề an toàn và niềm tin của con người khi sử dụng.
Để đặt mục tiêu xa hơn với taxi bay phục vụ mục đích thương mại, cơ quan quản lý cần có những đánh giá cơ hội, quy mô, tiềm năng thị trường của ngành taxi bay. Qua đó, xác định năng lực, khả năng cạnh tranh của Việt Nam để đưa ra chiến lược đầu tư cụ thể, bài bản.
Việt Nam cần đi theo hướng nghiên cứu các bộ phận quan trọng của taxi bay như động cơ, pin, cánh quạt... Các bộ phận này không chỉ cung cấp cho taxi bay mà có thể phục vụ nhiều sản phẩm khác như ôtô, xe điện... Việt Nam đến 2030 có thể thử nghiệm ứng dụng taxi bay, đến 2050 sẽ phổ biến loại hình vận tải này vì sự phát triển công nghệ đang dần đáp ứng các bộ tiêu chuẩn an toàn của ngành hàng không.
Taxi bay eVTOL (electric vertical take - off and landing) là máy bay cất và hạ cánh theo phương thẳng đứng giống trực thăng, chạy bằng điện, chở được 4-5 người. Thay vì cánh quạt lớn, taxi bay thường sử dụng cánh quạt nhỏ giúp chúng tạo ra ít tiếng ồn hơn, nhỏ gọn và phù hợp khi hoạt động trong các khu vực dân cư - nơi trực thăng thường bị cấm.