Bắc Kạn: nghiệm thu đề tài Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ gia cố móng bằng chất liên kết thủy hóa vô cơ (HRB) trong xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh
13/09/2016
115 Lượt xem
Vừa qua, tại trụ sở Sở KH&CN Bắc Kạn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nông Văn Chí đã chủ trì cuộc họp Hội đồng KH&CN chuyên ngành nghiệm thu đề tài: Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ gia cố móng bằng chất liên kết thủy hóa vô cơ (HRB) trong xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn do UBND TP Bắc Kạn chủ trì thực hiện trong 2 năm 2015-2016.
Các thành viên Hội đồng đã tiến hành kiểm tra thực tế tuyến đường được gia cố móng bằng chất liên kết thủy hóa vô cơ (HRB) tại tuyến đường giao thông nông thôn Mai Hiên - Tân Cư, phường Xuất Hóa, TP Bắc Kạn và nghe cơ quan chủ trì báo cáo kết quả thực hiện. Đề tài đã tiến hành thu thập, đánh giá tình hình, thực trạng của hệ thống giao thông nông thôn của tỉnh Bắc Kạn. Xây dựng thử nghiệm đoạn đường dài 750 m, mặt đường rộng 3 m theo 5 công thức: Công thức 1: Móng đường bằng chất liên kết thủy hóa vô cơ (HRB) dày 20 cm + mặt đường Carbonnat Asphalt dày 1,5 cm. Công thức 2: Móng đường bằng chất liên kết thủy hóa vô cơ (HRB) dày 20 cm + mặt đường vữa nhựa nhũ tương dày 2,5 cm. Công thức 3: Móng đường bằng chất liên kết thủy hóa vô cơ (HRB) dày 20 cm + mặt đường láng nhựa 2 lớp nhựa đặc nóng dày 2,5 cm. Công thức 4: Mặt đường đất gia cố bằng chất liên kết thủy hóa vô cơ (HRB) dày 20 cm thi công máy. Công thức 5: Mặt đường đất gia cố bằng chất liên kết thủy hóa vô cơ (HRB) dày 20 cm thi công thủ công. Kết quả thí nghiệm trong phòng và theo dõi tại thực địa thì đoạn đường đều đạt các chỉ tiêu kỹ thuật của ngành. Giá thành làm đường cũng thấp hơn rất nhiều so với các loại vật liệu dùng để làm đường giao thông nông thôn khác. Đề tài đã tổ chức 1 lớp tập huấn về kỹ thuật thiết kế, thi công đường giao thông nông thôn sử dụng chất HRB.
Thành viên Hội đồng kiểm tra thực tế tuyến đường
Tại Hội nghị nghiệm thu, Hội đồng đã đề nghị cơ quan chủ trì, chủ nhiệm đề tài cần viết rõ phần tổng quan tài liệu, phương pháp thi công, phương pháp thí nghiệm; phân tích sâu hơn sự khác biệt, ưu điểm, nhược điểm, từ đó có các khuyến cáo cho từng công thức đã thi công; phần kết luận, đề nghị cần viết lại cụ thể hơn…
Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nông Văn Chí đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài và đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương cần có kế hoạch ứng dụng kết quả đã được đề tài nghiên cứu thành công vào làm đường giao thông nông thôn tại địa phương. Đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh có cơ chế, chính sách để nhân rộng ra các địa phương khác trên địa bàn tỉnh.
Với các kết quả đạt được, Hội đồng đã nhất trí nghiệm thu và xếp loại đề tài loại khá.