Xói mòn nguồn gen hiện nay đang là một vấn đề được đặt ra đối với tất cả các nguồn gen, trong đó có nguồn gen cây thuốc lá. Vì vậy, việc thu thập và bảo tồn nguồn gen thuốc lá là một trong những nhiệm vụ của tất cả các nước sản xuất thuốc lá nguyên liệu trên thế giới để phục vụ cho các mục đích khác nhau. Bảo tồn nguồn gen thuốc lá được tiến hành theo nhiều phương pháp khác nhau tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội và trình độ khoa học của mỗi quốc gia. Hiện nay có 3 phương pháp bảo tồn chính: bảo tồn nội vi, bảo tồn ngoại vi và ngân hàng gen.
Tại Việt Nam, thuốc lá là một trong những cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là cây xóa đói giảm nghèo hữu hiệu cho đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc Việt Nam. Cũng như các cây trồng khác, cây thuốc lá là một trong những cây chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc cải cách về giống cây trồng. Những giống thuốc lá mới với ưu thế về năng suất đã dần dần thay thế hầu như toàn bộ các giống địa phương cũ. Chính vì vậy, việc thu nhập và lưu giữ các dòng và giống thuốc lá trồng tại Việt Nam cũng như các giống du nhập để phục vụ thường xuyên và lâu dài cho ngành công nghiệp thuốc lá là rất cần thiết.
Xuất phát từ thực tế trên, ThS. Trần Thị Thanh Hảo - Công ty TNHH một thành viên Viện Kinh tế Kỹ thuật Thuốc lá cùng các cộng sự đã tiến hành thực hiện dự án “Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen cây thuốc lá” nhằm mục tiêu chung là bảo tồn an toàn và nguyên trạng nguồn gen cây thuốc lá để phục vụ các mục tiêu nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế và khai thác nguồn gen.
Đề tài đã thực hiện đầy đủ nội dung nghiên cứu, đạt yêu cầu về số lượng, chất lượng sản phẩm khoa học theo đăng ký, báo cáo chuẩn bị theo quy định và đặc biệt là đã thu được một số kết quả nổi bật như sau:
- Điều tra, thu thập mẫu nguồn gen thuốc lá mới
* Thu thập 01 mẫu nguồn gen địa phương Hót Lá Bài tại xã Krong Pa, Sơn Hòa, Phú Yên với ưu thế về tính chống chịu hạn.
- Bảo quản và lưu giữ nguồn gen thuốc lá
* Năm 2014, 76 mẫu nguồn gen thuốc lá đã được bảo tồn an toàn bằng hai biện pháp song song (in-vitro và bảo tồn trung hạn); các mẫu in-vitro đảm bảo sinh trưởng bình thường; 74/76 mẫu hạt được bảo quản hạt trung hạn duy trì được TLNM trên 65%.
* Nhân thay thế và bổ sung 12 mẫu hạt giống (Coker 48E, Macnair 30, Macnair 373, NC12, NC17, NC82, NC95-1, NC95-2, NC628, P1349-2, Lào Cai và N.V.Xan thi) vào nguồn gen hạt. Phần lớn các mẫu đã đạt TLNM > 85%, số lượng từ 34 - 154 g hạt/ giống.
- Kết quả mô tả đánh giá nguồn gen
* Các giống thuốc lá đánh giá năm 2014 (Coker 48E, Macnair 30, Macnair 373, NC12, NC17, NC82, NC95-1, NC95-2, NC628, P1349-2) có sự đa dạng về kiểu hình bên ngoài cũng như tính trạng bên trong. Một số đặc điểm chính của nguồn gen đánh giá năm 2014 so với giống đối chứng K326:
* Giống có thời gian phát dục muộn: NC95-1, NC628; phát dục sớm: NC95-2
* Giống có đường kính thân nhỏ: Coker 48E và Macnair 30; đường kính thân lớn: NC95-1, NC628.
* Giống có chiều cao cây cao: NC95-1, NC95-2, NC628.
* Giống có tổng số lá nhiều: NC95-1.
* Giống có tỷ lệ tươi/ khô cao: NC95-1, NC628.
* Giống có tỷ lệ cong thấp: Coker 48E.
* Giống có tiềm năng năng suất thấp: Macnair 30, NC17; tiềm năng năng suất cao: NC628.
* Giống không bị nhiễm TMV: Coker 48E.
* Các giống không bị nhiễm bệnh đen thân: NC95-1, Macnair 30; nặng NC95-2, K326, Coker 48E, NC17.
- Tư liệu hóa nguồn gen
* 10 giống đánh giá năm 2014 (Coker 48E, Macnair 30, Macnair 373, NC12, NC17, NC82, NC95-1, NC95-2, NC628, P1349-2) đã được đánh giá nguồn gen và được cập nhật, bổ sung vào lý lịch giống 50 chỉ tiêu chính.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số: 10969/2015) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.