Một số quy trình địa chất, sinh học và khí hậu hoạt động để cô lập CO2 nhằm ngăn chặn sự lan tỏa của khí thải này vào bầu khí quyển và làm tăng hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, một nhóm nghiên cứu ở Hoa Kỳ và châu Âu đã phát hiện ra rằng CO2 được bơm vào đá núi lửa, sẽ trở nên khoáng hóa và bị mắc kẹt vĩnh viễn trong đó.
Trước đây, nhóm nghiên cứu đã xem xét xử lý CO2 dư thừa trong bể chứa dầu khí bỏ hoang, nhưng lo ngại về hiện tượng rò rỉ khiến cho phương pháp này không trở nên thực tế. Đến nay, các nhà khoa học đã xác định được giá trị của quá trình khoáng hóa CO2. Theo Juerg Matter, Giáo sư địa kỹ thuật tại Đại học Southampton, kết quả thử nghiệm cho thấy khoảng 95% - 98% lượng CO2 được bơm, đã khoáng hóa trong thời gian chưa đầy 2 năm.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm ở Iceland, nơi đá gốc chứa khoảng 90% bazan cũng như giàu canxi, magiê và sắt. Các nhà khoa học đã hòa tan CO2 trong nước và bơm dung dịch xuống đáy giếng bỏ hoang. Sau khi tiếp xúc với đá gốc bazan, dung dịch CO2 phản ứng, tạo thành khoáng vật cacbonat.
"Khoáng vật cacbonat không rò rỉ ra khỏi mặt đất, do đó, phương pháp mới của chúng tôi có khả năng lưu giữ khí thải CO2 vĩnh viễn theo hướng thân thiện với môi trường" GS. Matter giải thích.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm tương tự tại một số giếng ngầm bằng cách sử dụng các chất đánh dấu hóa học để theo dõi sự thay đổi thành phần của dung dịch CO2. Các chất đánh dấu cung cấp bằng chứng cho thấy phần lớn CO2 được chuyển hóa thành đá. Phát hiện nghiên cứu là bằng chứng về tiềm năng khoáng hóa cácbon như một công nghệ giảm thiểu biến đổi khí hậu, nhưng vẫn cần thực hiện nghiên cứu sâu hơn.
N.P.D (NASATI), Theo http://www.upi.com/Science_News/2016/06/09/Can-we-just-turn-excess-carbon-dioxide-into-rock/7231465501150/?spt=sec&or=sn, 2016/09/06