Các nhà nghiên cứu khám phá ra lý do thực sự tại sao rùa có mai
03/08/2016
119 Lượt xem
Mọi người thường nghĩ rằng mai rùa hiện đại phần lớn được sử dụng để bảo vệ. Không có một loài động vật có xương sống nào lại thay đổi cơ thể của mình mạnh mẽ như vậy để hình thành một cấu trúc bảo vệ bất khả xâm phạm như loài rùa. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây của một nhóm các nhà khảo cổ học quốc tế cho thấy rùa cổ đại với các xương sườn mở rộng chỉ có mai ở một phần của cơ thể và lớp mai này ban đầu chỉ là để thích nghi với việc đào hang dưới lòng đất, chứ không phải để bảo vệ.
"Tại sao mai rùa tiến hóa là một câu hỏi giống như những câu hỏi của Dr. Seuss và câu trả lời có vẻ khá hiển nhiên - đó là để bảo vệ", TS. Lyson, tác giả chính của bài báo công bố trên tạp chí Current Biology nói. "Nhưng cũng giống như lông chim ban đầu không phải phát triển để bay, sự phát triển sớm nhất của mai rùa không phải để bảo vệ mà để thích nghi với việc đào hầm dưới lòng đất để thoát khỏi môi trường khắc nghiệt ở Nam Phi, nơi những con rùa cổ đại đầu tiên sinh sống".
Sự phát triển ban đầu của mai rùa từ lâu đã làm các nhà khoa học bối rối. Nghiên cứu hồ sơ hóa thạch và quan sát cách mai của rùa hiện đại phát triển, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng một trong những thay đổi quan trọng đầu tiên hướng tới việc hình thành mai là sự mở rộng của các xương sườn. Trong khi các xương sườn được mở rộng một cách rõ ràng có vẻ không phải là một sự thay đổi đáng kể, nó có tác động nghiêm trọng đến cả việc thở và tốc độ di chuyển của các loài động vật bốn chân. Xương sườn được sử dụng để hỗ trợ cơ thể trong quá trình vận động và đóng vai trò quan trọng trong việc thông gió cho phổi. Xương sườn được mở rộng một cách rõ ràng làm phần thân của rùa cứng lại, chiều dài sải chân của rùa ngắn lại và làm cho nó di chuyển chậm lại do ảnh hưởng của việc thở.
"Vai trò không thể thiếu của xương sườn trong cả vận động và hơi thở có thể là lý do tại sao chúng ta không thấy nhiều thay đổi trong hình dạng của xương sườn", Tiến sĩ Lyson nói. "Xương sườn thường là các xương khá đơn điệu. Xương sườn của cá voi, rắn, khủng long, con người và khá nhiều loài động vật khác đều giống nhau. Rùa là một ngoại lệ, xương sườn của rùa thay đổi rất nhiều để tạo thành phần lớn lớp mai rùa".
N.L.H (NASATI), Theo http://phys.org/news/2016-07-real-turtles-shells.html, 14/7/2016