Canada nâng cao việc tái chế rác thải nhựa bằng tiêu chuẩn quốc gia mới
02/12/2024
10 Lượt xem
Tập đoàn CSA đã công bố việc ban hành Tiêu chuẩn quốc gia Canada mới nhằm tăng cường tính nhất quán trong việc xác định, đo lường và báo cáo hoạt động tái chế nhựa.
Tiêu chuẩn CSA R117:24: Tái chế nhựa: Định nghĩa, đo lường và báo cáo, đã cung cấp một định nghĩa toàn diện về tái chế nhựa tại Canada. CSA cho biết tiêu chuẩn này, được phát triển và hỗ trợ bởi Hội đồng Tiêu chuẩn Canada (SCC), giúp các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp hiểu rõ ràng và nhất quán về thời điểm và lượng nhựa đã được tái chế hoàn toàn. Tiêu chuẩn này cũng nhằm mục đích giúp chuẩn hóa việc báo cáo và tính toán tỷ lệ tái chế, nhắm mục tiêu đến tất cả các loại nhựa không phân hủy sinh học.
“Các tiêu chuẩn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tái chế nhựa”, ông Michael Leering, Giám đốc Kinh doanh và Môi trường CSA Group cho biết. “Bằng cách thiết lập một khuôn khổ chuẩn hóa và các định nghĩa nhất quán trên nhiều phương pháp tái chế, theo dõi và đo lường khác nhau, việc tính toán vòng tuần hoàn của rác thải nhựa trở nên rõ ràng hơn. Mặt khác, tiêu chuẩn quốc gia mới này có thể giúp hỗ trợ ra quyết định tốt hơn trên toàn bộ chuỗi cung ứng”.
Việc tiêu chuẩn hóa rác thải nhựa tái chế sẽ giúp chính phủ Canada hướng đến một nền kinh tế tuần hoàn
Được phát triển theo phương pháp tiếp cận dựa trên sự đồng thuận và đóng góp ý kiến, tiêu chuẩn này được xây dựng bởi các thành viên tình nguyện đại diện cho nhiều nhóm lợi ích khác nhau, bao gồm các quan chức chính phủ, nhà sản xuất, đơn vị tái chế và các đại diện khác trong ngành hoặc trong lĩnh vực môi trường.
Định nghĩa trong bản tiêu chuẩn này nêu rõ rằng tái chế là quá trình xử lý vật liệu thải để tạo ra vật liệu thứ cấp nhằm mục đích làm ra sản phẩm mới, không bao gồm tái sử dụng và bất kỳ quy trình nào được sử dụng để tạo ra nhiên liệu như chuyển đổi chất thải thành năng lượng (WTE).
“Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn đang diễn ra, quan trọng hơn, các quốc gia trên thế giới đang hướng đến một mục tiêu, phát triển nền kinh tế bền vững vẫn phải bảo vệ môi trường. Việc áp dụng tiêu chuẩn vào trong thực tiễn sẽ giúp các nhà sản xuất, thậm chí là các nhà lãnh đạo có thể xác định rõ vật liệu có khả năng được tái chế, tái chế ra sản phẩm gì, trong thời gian bao lâu để đưa ra báo cáo chính xác nhất”, ông Leering cho biết. Ngoài ra, tiêu chuẩn này cũng đặt ra các điểm tính toán khác nhau cho chuỗi giá trị tái chế hóa học và cơ học.
CSA cho biết nhiều bên liên quan sẽ được hưởng lợi từ tiêu chuẩn này, bao gồm các nhà hoạch định chính sách muốn xây dựng các chính sách về việc tái chế nhựa. hình thành các bộ luật, các nhà quản lý thành phố có thể đưa ra các con số chính xác trong bản báo cáo dữ liệu về tái chế nhựa, hay các công ty quản lý chất thải báo cáo về hiệu suất tái chế của họ và các ngành công nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng nhựa đều có thể sử dụng tiêu chuẩn này.