Đôi khi những chú gấu Teddy thông dụng không có hiệu quả gì trong việc trấn an một đứa trẻ hoặc một người trẻ được chở bằng xe cứu thương đến bệnh viện.
Bill Carey, một lính chữa cháy/cấp cứu viên làm ở Sở cứu hỏa Newington, mới đây vừa xem một chương trình TV về bệnh tự kỷ nói về các dụng cụ kích thích. Một ý tưởng lóe lên, và với một vài món rẻ tiền được mua ở siêu thị Walmart, Carey sáng chế ra một dụng cụ ông hy vọng sẽ có tác dụng đối với các bệnh nhân mắc tự kỷ, rối loạn tăng động (ADHD), hoặc lo sợ.
“Tôi lớn lên với một người anh thiểu năng tâm sinh lý, nên điều đó thật gần gũi với tôi,” Carey nói. “Trẻ em và ngay cả người lớn mắc các loại bệnh đó phản ứng với các kích thích khác nhau”.
Khởi sự bằng một chai nhựa, Carey bỏ đầy trong chai các cái hột nhỏ, những cái chuông bé tẹo, những viên bi có gương mặt cười và những con côn trùng đồ chơi. “Chai nhựa có gờ, nên nó tạo cảm giác khi cầm nắm,” ông nói. “Các thứ bên trong chai kích thích thị giác và khi lắc tiếng chuông kích thích thính giác. Chiếc chai có thể lăn, nên các vật bên trong bị các hạt che khuất sẽ lộ ra.”
Carey cho biết ông coi như là một thách thức khi ông đến gần một bệnh nhân mắc bệnh để tạo tình thân trong một khoản thời gian ngắn nhất có thể. “Chúng tôi muốn họ biết chúng tôi đang bên họ,” ông nói. “Đó là cách các cha mẹ và người phối ngẫu cảm nhận được chúng tôi đang cố gắng làm điều gì đó hữu ích.”
Trợ lý giám đốc đơn vị LeDuc nói có nhiều thú nhồi bông trong xe cấp cứu, nhưng không phải lúc nào các thứ đó cũng hiệu quả với trẻ em tự kỷ vì chúng chỉ giải quyết kích thích xúc giác và thị giác và không kích thích thính giác. “Mấy năm qua, chúng tôi thường thường thổi phồng các bao tay và vẽ các khuôn mặt lên đó,” LeDuc nói.
“Rồi chúng tôi trang bị thú nhồi bông. Nhưng chúng tôi muốn săn sóc tốt nhất có thể đối với cộng đồng nhân rộng hơn.” Carey vừa tạo ra công cụ cách đây vài ngày đã làm được cả hai việc đó. “Bộ cứu hỏa ủng hộ các loại ý tưởng này, và chúng tôi sẽ nhanh chóng huấn luyện nhân sự của chúng tôi và gởi các email hướng dẫn việc sử dụng công cụ.” LeDuc cho biết ông và Carey đang trao đổi với giám đốc Trung tâm Birchtree ở Newington về công cụ để xem nếu họ có thể cải tiến thêm nữa hay không.
Trung tâm Birchtree ở Newington giúp trẻ em và người trẻ tự kỷ trưởng thành và phát triển khỏe mạnh ở nhà, trong gia đình và cộng đồng. “Chúng tôi đến thăm trung tâm vài lần mỗi năm và huấn luyện phòng cháy ở đó,” LeDuc nói.
Có một công cụ trên xe cấp cứu của trạm và một ở trạm để trình diễn cho nhân viên cách sử dụng. LeDuc cho biết nếu bệnh nhân muốn giữ lại, họ được giữ và nhiều công cụ khác sẽ được chế tác.