Việc tích hợp tiêu chuẩn chất lượng, môi trường cùng áp dụng công nghệ bền vững không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường mà còn là chìa khóa để phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.
Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và sức khỏe con người. Trước thực trạng này, Chính phủ Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ trong việc giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho các doanh nghiệp trong nước phải chuyển đổi sang sản phẩm xanh và công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường.
Phát triển xanh, bên vững là 'đích đến' của doanh nghiệp. Ảnh minh họa
Dưới góc nhìn chuyên môn, TS. Trần Quốc Tuấn - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật về tiêu chuẩn và chất lượng nhấn mạnh, doanh nghiệp cần phải tích hợp hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9000) và hệ thống quản lý môi trường (ISO 14000), cần thực sự đưa vào vận hành chứ không chỉ áp dụng hình thức.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần phải tích cực chuyển đổi xanh, gắn tiêu chuẩn chất lượng với bảo vệ môi trường, áp dụng ngay từ quá trình thiết kế sản phẩm, chọn lựa nguyên vật liệu, cho đến sản xuất, đóng gói sản phẩm, bảo quản, và vận chuyển đến người tiêu dùng.
Theo TS. Trần Quốc Tuấn, tất cả các công đoạn này đều cần phải chú trọng đến bảo vệ môi trường. Để làm được điều đó, doanh nghiệp phải ứng dụng các công nghệ mới, vật liệu xanh sạch hơn, thân thiện với môi trường và ít phát thải hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp cần sử dụng năng lượng tái tạo để quy trình sản xuất trở nên xanh hơn.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Phùng Anh Tuấn - Phó trưởng khoa Điện, Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, trên thế giới có hai bộ tiêu chuẩn Leed và Lotus, ở Việt Nam cả hai bộ tiêu chuẩn này đều được áp dụng vào việc thiết kế, xây dựng công trình xanh.
Theo TS. Phùng Anh Tuấn, một công trình xanh cần đáp ứng một số tiêu chí quan trọng: Thứ nhất, tiết kiệm năng lượng: Sử dụng công nghệ và vật liệu tối ưu để giảm tiêu thụ điện, nước và các nguồn tài nguyên.
Thứ hai, ứng dụng vật liệu thân thiện: Hạn chế sử dụng các sản phẩm gây hại đến môi trường và sức khỏe con người.
Thứ ba, quản lý chất thải hiệu quả: Áp dụng các giải pháp xử lý rác thải và nước thải hợp lý, giảm thiểu ô nhiễm.
Thứ tư, tạo môi trường sống lành mạnh: Cải thiện chất lượng không khí, tận dụng ánh sáng tự nhiên và không gian xanh để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo TS. Phùng Anh Tuấn, vật liệu xanh hiểu một cách đơn giản là quá trình tạo ra nó tiêu tốn ít năng lượng và có thể tái chế được. Đưa ra khái niệm “quản lý vòng đời sản phẩm” trong trong lĩnh vực sản xuất chế tạo thiết bị và vật liệu, TS. Phùng Anh Tuấn cho rằng khi chế tạo ra một sản phẩm sẽ tốn nguyên liệu thô, và trong quá trình vận hành sử dụng cũng sẽ có hao tốn.
“Một sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ có hao phí tối thiểu trong suốt các công đoạn chế tạo, sử dụng và tái tạo cho vòng đời tiếp theo. Nếu gia tăng tỷ lệ của vật liệu xanh, chúng ta có thể góp phần đóng góp cho mục tiêu Net Zero”, TS. Phùng Anh Tuấn đánh giá.
Từ góc độ nhà sản xuất, ông Hồ Quang Nhân - Tổng Giám đốc Công ty CP Dây cáp điện Việt Nam, chia sẻ rằng doanh nghiệp luôn ý thức rõ vai trò của mình trong việc giảm phát thải môi trường cũng như sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường. Đơn vị này đã đầu tư nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất dây điện thân thiện môi trường, sử dụng vật liệu cách điện không chì và chậm cháy.