Máu nhân tạo được lưu trữ dưới dạng bột mịn, đây sẽ là bước phát triển vượt bậc trong y học. Loại máu này có thể cung cấp nguồn máu bổ sung kịp thời cho các nạn nhân khi cần máu gấp trong các trường hợp khẩn cấp.
Các nhà nghiên cứu đã tạo thành công loại tế bào tương tự như máu và có khả năng mang oxy đến phổi cũng như là các mô trong cơ thể.
TS.BS Allan - nhà nghiên cứu cao cấp và là một chuyên gia chăm sóc đặc biệt tại Đại học Y dược Washington (St Louis, Mỹ) cho biết: “Loại máu nhân tạo này có thể được lưu trữ dưới dạng đông lạnh và khô, sẽ giúp các bác sỹ, y tá cứu người dễ dàng hơn trong trường hợp khẩn cấp”.
Về cơ bản, loại máu này có dạng bột khô trông giống như ớt bột, có thể được lưu trữ trong một túi nhựa chuyên dụng có thể mang đi dễ dàng, để trong xe cứu thương hoặc thậm chí trong ba lô y tế và bảo quản trong thời gian một năm hoặc nhiều năm.
Khi cần sử dụng, chỉ cho thêm nước cất vào túi, trộn đều là túi máu đã sẵn sàng.
Tế bào máu nhân tạo có kích thước khoảng 1/50 của một tế bào hồng cầu bình thường, được làm từ protein hemoglobin tinh khiết đã được phủ một lớp polymer tổng hợp. Các nhà nghiên cứu cho biết, Hemoglobin là thành phần bên trong các tế bào hồng cầu mang oxy đi khắp cơ thể.
Người ta ước tính rằng, có đến 70% trường hợp tử vong ở chiến trường là do mất máu chứ không phải là chấn thương đe dọa đến cơ quan quan trọng.
Các nhà nghiên cứu cho biết, khoảng 20.000 trường hợp tử vong ở Mỹ xảy ra mỗi năm do mất máu trước khi đi đến một trung tâm điều trị. Việc tìm kiếm một loại máu nhân tạo nhằm thay thế máu thật đã được tiến hành trong hơn 80 năm, nhưng những nỗ lực trước đây đều không mang đến kết quả tích cực.
Phiên bản máu nhân tạo trước đây có khả năng hấp thụ oxy trong phổi, nhưng sau đó sẽ không có tác dụng giải phóng oxy sau khi đi vào các mô và cơ quan. Đồng thời gây ra phản ứng giữa haemoglobin tinh khiết và oxit nitric, một chất được tạo bởi lớp niêm mạc của mạch máu, cho phép các mạch máu giãn nở và trao đổi chất tốt hơn.
“Các hemoglobin tác dụng với oxit nitric gây ra co thắt các mạch máu. Do đó khi đưa hemoglobin vào máu, sẽ gây ra các cơn đau tim và đột quỵ”, các bác sỹ chuyên khoa cho biết.
Các lớp phủ polymer tổng hợp của tế bào máu nhân tạo mới nhất có trách nhiệm giải quyết cả hai vấn đề này. Các lớp phủ được phát triển bởi nhà nghiên cứu chính, Dipanjan Pan - PGS công nghệ sinh học Đại học Illinois tại Urbana-Champaign (Mỹ).
Bề mặt polymer phản ứng phụ thuộc vào độ pH của máu khi di chuyển trong cơ thể. Nó hấp thụ oxy khi pH máu cao và giải phóng khí oxy khi pH máu thấp.
Lớp phủ polymer chính là đột phá của nghiên cứu này
Các lớp phủ polymer cũng giữ hemoglobin không phản ứng với oxit nitric trong máu, do đó ngăn ngừa co thắt và phản ứng nguy hiểm của các mạch máu. Ngoài ra, máu nhân tạo còn có một ưu điểm là có thể được sử dụng cho bất cứ ai, bất kể loại máu nào.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, xét nghiệm trên chuột đã chứng minh rằng, các tế bào máu nhân tạo có hiệu quả và có thể cung cấp oxy đến các mô và cơ quan.
“Chúng tôi thay thế 70% của khối lượng máu của chuột với các loại máu thay thế. Những con chuột được thí nghiệm không có phản ứng khác thường nào so với những con chuột khác”, trích lời người đại diện nhóm nghiên cứu.
Bên cạnh việc hỗ trợ cấp cứu, máu nhân tạo cũng có thể được sử dụng để giúp giữ cho các cơ quan hiến tạng còn sống trên đường đến một người nhận, và bổ sung nguồn cung cấp máu thường xuyên của bệnh viện trong suốt ca phẫu thuật phức tạp như nối van tim.
Tuy nhiên, các tế bào hồng cầu nhân tạo sẽ không bao giờ thay thế hoàn toàn máu thật. Do không thể tồn tại trong hệ tuần hoàn máu trong thời gian dài như là máu thật.
Một tế bào hồng cầu bình thường lưu thông khoảng 120 ngày. Trong khi tế bào nhân tạo theo dự tính, có khả năng hoạt động khoảng 8-12 tiếng. Nhóm nghiên cứu đang cố gắng nâng thời gian hoạt động lên một vài ngày hoặc thậm chí tương đương tế bào hồng cầu thật.
Các tế bào nhân tạo cũng được thiết kế chỉ để cung cấp oxy và một số chức năng khác mà các tế bào hồng cầu cung cấp.
Nhóm nghiên cứu của TS Alan Mast, nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm máu (Viện Nghiên cứu máu Wisconsin, Mỹ) cho biết, những chức năng khác bao gồm bảo vệ chống oxy hóa của các mô, điều tiết lưu lượng máu, hỗ trợ trong việc đáp ứng miễn dịch và giúp hình thành máu đông.
Nêu quan điểm về máu nhân tạo, Mast - cựu Chủ tịch Hội Huyết học Mỹ cho rằng: “Tế bào máu nhân tạo chỉ có thể mang oxy bởi vì nó không giống như các tế bào hồng cầu. Các tế bào hồng cầu có thể làm nhiều đặc tính sinh lý khác”.
Tuy nhiên, theo Mast, sự phát triển của các tế bào máu nhân tạo là một hướng nghiên cứu "thú vị”.
Máu nhân tạo có thể giúp cho người bị thương cầm cự cho đến khi họ có thể vào bệnh viện. Sản phẩm sẽ rất hữu ích trong các vùng nông thôn hoặc khu vực nơi dễ xảy ra chấn thương và các nguồn máu bổ sung không có sẵn.
“Máu nhân tạo vẫn cần được thử nghiệm trên thỏ và khỉ, trước khi tiến hành thử nghiệm trên người. Các nghiên cứu ở động vật thường không tạo ra kết quả tương tự ở người, việc nghiên cứu là một con đường dài, có thể dài đến 10 năm khi chúng tôi có câu trả lời chính xác nhất”. Nhóm nghiên cứu cho biết.
Các kết quả từ nghiên cứu này dự kiến sẽ được trình bày tại Hội nghị thường niên của Hội Huyết học Mỹ, San Diego. Những kết quả được trình bày tại cuộc họp này thường được xem là nghiên cứu sơ bộ cho đến khi họ được công bố trên một tạp chí.