Công nghệ cứng hóa đất bùn giải bài toán thiếu cát
12/08/2024
109 Lượt xem
Để có thể xử lý lượng đất bùn, đảm bảo về mặt môi trường sau khi nạo vét, làm chủ công nghệ về vật liệu, thiết bị cứng hóa đất bùn nạo vét kênh mương để san lấp mặt bằng, đắp đê bao, bờ bao thay thế cát xây dựng và áp dụng vào sản xuất; triển khai thí điểm ứng dụng kết quả vào thực tế cho đê bao và san lấp mặt bằng ở Cà Mau hoặc vùng Đồng bằng sông Cửu Long với giá thành sản phẩm cạnh tranh được với cát san nền tại cùng một thời điểm, TS Ngô Anh Quân - Viện Thủy công, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ cứng hóa đất bùn nạo vét để sử dụng trong san lấp mặt bằng thay thế cát”,
Sau 3 năm thực hiện, đề tài đã đề xuất và áp dụng thành công giải pháp công nghệ vật liệu dùng để cứng hóa đất bùn nạo vét từ sông, kênh bằng các chất kết dính vô cơ như xi măng, tro bay, xỉ lò cao và thạch cao để làm vật liệu san lấp mặt bằng và đắp nền đê bao bờ bao thay thế cát. Chất lượng của hỗn hợp bùn sau cứng hóa đạt yêu cầu tiêu chuẩn tương đương với đất trạng thái dẻo cứng, có thể sử dụng thay thế nền đất yếu tại đường giao thông với chiều sâu cần xử lý < 2m, tải trọng giao thông cấp 3, 4. Ở quy mô nghiên cứu của đề tài đã chế tạo lắp đặt thành công thiết bị trộn chất kết dính từ việc cải tiến gàu máy xúc có dung tích 0,7m3. Từ đó đã xây dựng được hai mô hình thực tế tại Khu công nghiệp Khánh An, xã Khánh An (U Minh, Cà Mau).
Theo TS Ngô Anh Quân, tiềm năng của đất bùn nạo vét càng thể hiện rõ trong bối cảnh khan hiếm cát xây dựng như hiện nay, đặc biệt là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - nơi đang triển khai bốn dự án trọng điểm và hầu hết các dự án đều chậm tiến độ do thiếu vật liệu cát đắp nền.
Từ thành công bước đầu ở Cà Mau, nhóm nghiên cứu cho biết việc mở rộng áp dụng ở các địa phương khác có điều kiện tương tự về vật liệu và hạ tầng tổ chức thi công là hoàn toàn khả thi. Nghiên cứu này nếu được áp dụng ngay có thể giải được bài toán nan giải thiếu cát san lấp mặt bằng đang khiến nhiều công trình đình trệ. Tuy nhiên, cần tiến hành các nghiên cứu thiết kế các cấp phối phù hợp với các chỉ tiêu cơ lý, khoáng hóa... của nguồn vật liệu đầu vào.
Từ các kết quả thu được, để triển khai rộng rãi kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu cần tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh và làm rõ một số nội dung bao gồm: đánh giá tính ổn định của đất bùn cứng hóa trong công trình sau khi sản phẩm đưa vào thử nghiệm và được ứng dụng trên diện rộng; cần nhân rộng sản phẩm chế tạo cho các vùng đất bùn khác nhau của Việt Nam, sử dụng nhiều nguồn vật liệu kết dính vô cơ khác nhau, kết hợp nghiên cứu thiết kế cấp phối phù hợp để cứng hóa đát bùn ở các nơi khác nhau và so sánh, đánh giá trên các công trình thực tế; nghiên cứu hoàn thiện các dây chuyền sản xuất tập trung với khối lượng đất bùn nạo vét cần xử lý lớn, các thiết bị cần được đồng bộ và thi công trên diện rộng; hướng dẫn chi tiết về lắp đặt các dây chuyền sản xuất, đóng gói hỗn hợp chất kết dính và phụ gia để cứng hóa đất bùn nạo vét nhằm sớm đưa vào thương mại hóa sản phẩm của đề tài.