Công nghệ thực tế ảo giúp bác sỹ bước vào tế bào ung thư
13/09/2016
114 Lượt xem
Thực tế ảo sẽ giúp các bác sỹ hiểu rõ hơn cấu trúc và cách thức hoạt động của tế bào ung thư cũng như căn bệnh đột quỵ.
“Đây là một dự án mang tính khoa học viễn tưởng”, theo lời John McGhee - Giám đốc Phòng thí nghiệm thực tại ảo nghệ thuật 3D trực thuộc Đại học New South Wales (UNSW) cho biết. Phương pháp này sẽ giúp cho con người nhìn thấy một tế bào ung thư vú theo cách trực quan hơn bao giờ hết.
Dữ liệu sử dụng được lấy từ một chiếc kính hiển vi electron có độ phân giải cao. Sau đó các chuyên gia trong lĩnh vực mô phỏng hình ảnh bằng máy tính (CGI) sẽ tái tạo dữ liệu này thành hình ảnh tế bào ung thư bằng công nghệ thực tế ảo.
Thực tế ảo hay còn gọi là thực tại ảo, là thuật ngữ miêu tả một môi trường mô phỏng bằng máy tính. Phần lớn các môi trường thực tại ảo chủ yếu là hình ảnh hiển thị trên màn hình máy tính hay thông qua kính nhìn 3 chiều, tuy nhiên một vài mô phỏng cũng có thêm các loại giác quan khác như âm thanh hay xúc giác.
McGhee cho biết, nhóm nghiên cứu của ông sử dụng Unity, nền tảng phát triển các trò chơi video, nhằm bổ sung các chi tiết như màu sắc, ánh sáng cho các hình ảnh 3D của các tế bào.
Hình ảnh của một tế bào ung thư thông qua kính thực tại ảo
Khi mang vào mắt kính thực tại ảo HTC Vive, các nhà khoa học sẽ thấy mình bước vào đĩa petri và có khả năng nhìn thấy các hạt phân tử thuốc được hấp thụ vào tế bào. Họ cũng có thể sử dụng bàn tay để thâm nhập vào từng bộ phận của tế bào theo ý muốn. Hiện nay, công nghệ này được sử dụng chủ yếu cho các mục đích giáo dục.
“Một khi bạn chìm đắm trong môi trường thực tại ảo, phương pháp này sẽ giúp bạn thấy được những hoạt động phức tạp trong tế bào hiệu quả hơn hẳn so với khi quan sát trên màn hình”, McGhee giải thích.
Bằng cách sử dụng kính Oculus Rift VR, một dự án khác của McGhee tập trung vào khả năng sử dụng công nghệ thực tế ảo trong việc phục hồi chức năng của bệnh nhân đột quỵ. Steven Faux - Giám đốc Bệnh viện phục hồi chức năng St Vincent tại Sydney (Úc) đã cùng nghiên cứu với McGhee trong gần 3 năm để phát triển dự án này.
Để tạo ra nguồn dữ liệu, đội ngũ y tế đã phải chụp cắt lớp MRI và quét CT nhằm xác định nguyên nhân gây đột quỵ ở từng bệnh nhân. Sau đó, các chuyên gia chụp ảnh não sẽ loại bỏ các bộ phận không liên quan trong dữ liệu. Dữ liệu này sẽ được McGhee sử dụng nhằm xây dựng thành một tour du lịch thực tế ảo vào mạch máu của bệnh nhân.
“Chúng tôi đi bộ xuyên qua các mạch máu của bệnh nhân nhằm xác định được vị trí và nguyên nhân gây đột quỵ một cách chính xác”, bác sỹ Faux cho biết. “Nếu xuất hiện các cục máu đông làm tắc nghẽn máu chảy đến tim và não bộ thì chúng tôi sẽ tìm cách loại trừ chúng”.
Đối với những người bị đột quỵ, họ sẽ thường bị rối loạn và suy giảm khả năng nhận thức. Thỉnh thoảng, họ bị mất luôn khả năng hiểu ngôn ngữ viết hoặc nói. Khi họ đang trong quá trình phục hồi, công nghệ thực tế ảo của McGhee sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ hồi phục.
McGhee hy vọng, trong tương lai sẽ tạo ra được một thế giới ảo, nơi các nhà khoa học có thể quan sát cách thức các tế bào ung thư di chuyển khắp cơ thể.