Đề xuất giải pháp khoa học công nghệ và quản lý cải thiện chất lượng nước tưới mặt ruộng trong công trình thủy lợi thuộc lưu vực sông Nhuệ sông Đáy
13/05/2025
6 Lượt xem
Hệ thống công trình thủy lợi sông Nhuệ - sông Đáy là hệ thống liên tỉnh: Hà Nội, Hà Nam. diện tích toàn lưu vực là 107.530 ha (Hà Nội 86.390 ha, Hà Nam 21.140ha), dân số trong khu vực khoảng 12 triệu người. Hệ thống thủy lợi Sông Nhuệ được giới hạn bởi sông Hồng, sông Đáy và sông Châu: phía Đông và Bắc giáp sông Hồng, phía Tây giáp sông Đáy, phía Nam giáp sông Châu. Trục chính sông Nhuệ dài 71km từ Cống Liên Mạc đến TP Phủ Lý.
Hệ thống được quản lý chính bởi Công ty TL sông Nhuệ phục vụ tưới cho khoảng 67.000 ha, tiêu cho khoảng 7.530 ha. Hiện tại lưu lượng dòng chảy của sông Nhuệ vào khoảng 286 m3 /s. Công ty TL sông Đáy phục vụ tưới cho khoảng 26.540 ha, tiêu cho khoảng 2.900 ha. Lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy là khu vực có nền kinh tế - xã hội phát triển liên tục từ rất lâu đời, cho đến ngày nay đây vẫn là một vùng kinh tế - xã hội phát triển nhất đồng bằng sông Hồng. Sự gia tăng dân số đô thị và sự hình thành các khu vực đô thị mới kéo theo sự gia tăng nhu cầu sử dụng nước của vùng nghiên cứu, làm gia tăng lượng nước thải phát sinh cần phải xử lý. Nhu cầu phục vụ các nhu yếu phẩm cần thiết, đảm bảo sinh hoạt của con người sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng môi trường nước mặt. Nguồn cung cấp nước sạch, nhà ở, cây xanh không đáp ứng kịp cho sự phát triển dân cư. Nếu không có biện pháp quản lý và xử lý hiệu quả sẽ gây tác động nghiêm trọng đến môi trường.
Hệ thống quản lý nước mặt ruộng là yếu tố quan trọng dẫn đến nâng cao hiệu quả và dịch vụ cấp thoát nước đến mặt ruộng, do đó quy hoạch, nâng cấp, cải tạo hệ thống thuỷ nông nội đồng theo hướng nâng cao hiệu quả và dịch vụ cấp thoát nước đến mặt ruộng là vấn đề mấu chốt của đầu tư phát triển hệ thống thuỷ nông nội đồng. Hệ thống quản lý nước mặt ruộng ở các nước trên thế giới đựơc xây dựng theo nguyên tắc cơ bản là kết cấu của công trình mặt ruộng phải tạo điều kiện để việc tưới tiêu và canh tác được độc lập.
Thuỷ lợi tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp tạo ra một phần ba nhu cầu lương thực toàn cầu và đóng góp 40% sản lượng lương thực châu Á. Nhu cầu ngày càng tăng của sử dụng nước đô thị, công nghiệp, môi trường ngày càng hạn chế lượng nước có thể sử dụng cho sản xuất nông nghiệp. Cho dù có được những thành tích không thể phủ nhận trong thời gian qua trong việc đóng góp vào sản xuất lương thực, phát triển tưới tiêu trên thế giới đang bị chậm lại do mất diện tích tưới tiêu vì úng, nhiễm mặn, khai thác quá tải nước ngầm và sự bành trướng của đô thị ở một số nước 3 và đặc biệt là hiệu quả thấp của các hệ thống thuỷ nông mà nguyên nhân chủ yếu là chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý khai thác. Giải pháp duy nhất để đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng tăng trong bối cảnh tài nguyên đất và nước có hạn là tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên đất và nước, thông qua các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý khai thác các công trình thuỷ lợi.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Chủ nhiệm đề tài ThS. Trần Hưng cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Tài nguyên nước và Môi trường Đông Nam Á thực hiện đề tài “Đề xuất giải pháp khoa học công nghệ và quản lý cải thiện chất lượng nước tưới mặt ruộng trong công trình thủy lợi thuộc lưu vực sông Nhuệ sông Đáy” với mục tiêu Xác định được nguồn thải chính gây ô nhiễm nước tưới mặt ruộng, tác động của ô nhiễm nước tới năng suất, cơ cấu cây trồng nông nghiệp, thủy sản, đề xuất giải pháp khoa học công nghệ và quản lý cải thiện chất lượng nước mặt ruộng phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy.
Đề tài đã thực hiện đúng tiến độ và hoàn thành đầy đủ các sản phẩm về số lượng, chủng loại. Các sản phẩm của đề tài đảm bảo yêu cầu về chất lượng sản phẩm KHCN đã đăng ký trong Hợp đồng số 10/HĐ - KHCN - NTM ngày 8/2/2021 giữa Viện tài nguyên nước & môi trường Đông Nam Á với văn phòng chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018 – 2020.
Đề tài đã phân tích tổng quan kết quả nghiên cứu về ô nhiễm nguồn nước, công nghệ xử lý ô nhiễm nguồn nước; cơ chế chính sách, quản lý nhằm giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước tưới.
+ Có nhiều giải pháp KHCN xử lý ô nhiễm nguồn nước, trên thế giới dùng giải pháp bổ cập nguồn nước để tự làm sạch sau đó mới cung cấp nước tưới.
+ Nước ta hầu hết các đề tài/dự án nghiên cứu ô nhiễm nguồn nước các trục chính, nhánh chính, còn HTTL nội đồng ít được đề cập.
+ Thu thập các nguồn thải chính gây ô nhiễm cho trục chính và nhánh chính của vùng nghiên cứu.
+ Điều tra, thu thập về các nguồn thải xả trực tiếp xuống HTTL nội đồng, mô hình tổ chức và cơ chế chính sách đối với các địa phương. Đề tài đã phối hợp điều tra, thu thập với CTTL sông Nhuệ, sông Đáy được hơn 1.300 nguồn thải xả trực tiếp xuống HTTL nội đồng. Đánh giá được mức độ ô nhiễm do các nguồn thải gây ra. Đề xuất các giải pháp KHCN và quản lý phù hợp để thực hiện các nội dung của đề tài; kết hợp phương pháp nghiên cứu giữa truyền thống, như thu thập số liệu thực tế, phân tích các thông số ô nhiễm... với phương pháp hiện đại là phương pháp số trong xây dựng bản đồ và trang Web hỗ trợ quản lý nguồn thải nội đồng.
Hỗ trợ xây dựng mô hình quản lý, phối hợp cộng đồng dân cư để giảm thiểu ô nhiễm do các nguồn thải gây ra đã áp dụng cho 2 xã Tân Minh và Liên Châu của TP Hà Nội.
Thiết kế mẫu các ao hồ điều hòa làm sạch nước thải phục vụ cho tưới, thủy sản ... đã áp dụng cho 2 xã Tân Minh và Liên Châu của TP Hà Nội.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20783/2022) tại CụcThông tin, Thống kê.