Thông qua hệ thống các chương trình quốc gia, các quỹ phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN), doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang có nhiều cơ hội tiếp cận với công nghệ mới, nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để có thể triển khai các dự án sản xuất, sẵn sàng trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp
Theo Bộ KH&CN, chủ trương đổi mới công nghệ tại các DN đã được xác định là nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, thời gian qua, đã có nhiều chương trình KH&CN quốc gia được Chính phủ phê duyệt nhằm hỗ trợ các tổ chức, trong đó có DN đổi mới công nghệ như: Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020; Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020; Chương trình hỗ trợ phát triển DN KH&CN và tổ chức KH&CN công lập chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020…
Đặc biệt, là việc thành lập Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia với khoản ngân sách hàng nghìn tỷ đồng. Quỹ có chức năng cho vay với lãi suất ưu đãi, bảo lãnh để vay vốn, hỗ trợ vốn cho DN nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới công nghệ. Đến nay Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia đã tiếp nhận trên 1.000 ý tưởng đổi mới công nghệ, chủ yếu từ các DN vừa và nhỏ thuộc nhóm công nghiệp hỗ trợ, khởi nghiệp, công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao.
Đồng thời, quỹ cũng tiến hành tư vấn giúp các DN bước đầu xây dựng thành công gần 300 nhiệm vụ; đưa ra xem xét, tuyển chọn được 85 đề tài, dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 3.674 tỷ đồng, trong đó vốn do DN đầu tư khoảng 2.639 tỷ đồng (chiếm 72%), hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khoảng 1.035 tỷ đồng (chiếm 28%). Căn cứ vào mục tiêu các dự án và cam kết của DN thì mức tăng trưởng của các DN sẽ đạt 12-18%/năm sau khi thực hiện đổi mới công nghệ.
Nâng cao sức cạnh tranh
Lựa chọn, lấy DN làm trung tâm để đầu tư, đổi mới và ứng dụng KH&CN, đã giúp nhiều DN tạo ra được các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Điển hình, với sự hỗ trợ kinh phí hơn 7 tỷ đồng thực hiện Đề tài "Nghiên cứu chiết tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt" từ Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới (tỉnh Bến Tre) đã nghiên cứu thành công quy trình chiết tách tinh dầu dừa tinh khiết (công nghệ VCO) với năng suất 3.000 lít/ lô sản xuất, đạt tiêu chuẩn quốc tế của Hiệp hội Dừa châu Á - Thái Bình Dương. Dầu dừa tinh khiết được sản xuất theo công nghệ VCO có giá trị thương mại gấp 4 lần so với sản phẩm sản xuất theo công nghệ tinh luyện cũ, góp phần nâng cao chuỗi giá trị cây dừa tỉnh Bến Tre.
Cũng dưới sự hỗ trợ của Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Hà Nội) đã chế tạo thành công hệ thống chiếu sáng chuyên dụng tiết kiệm năng lượng phù hợp với chu kỳ phát triển sinh học của một số loại cây hoa và cây có quả nhằm điều khiển thời gian ra hoa, kết trái và thời vụ thu hoạch, đặc biệt hiệu quả cho những loại hoa và cây có quả trái vụ. Sản phẩm đã được nhiều địa phương áp dụng như: Bình Thuận, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Tiền Giang, Tây Ninh…
Bên cạnh nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, kinh phí từ Quỹ Phát triển KH&CN của DN đã được sử dụng hiệu quả cho hoạt động KH&CN. Theo số liệu báo cáo của Bộ Tài chính, số trích lập Quỹ phát triển KH&CN của 31 tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2017 ước thực hiện là 2.276 tỷ đồng, số sử dụng trong năm là 1.483 tỷ đồng. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy các DN đang ngày càng quan tâm hơn đến việc đổi mới công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Năm 2018, nhiệm vụ trọng tâm của ngành KH&CN là hoàn thiện hành lang pháp lý hướng dẫn thi hành Luật Chuyển giao công nghệ để hỗ trợ DN ứng dụng, đổi mới công nghệ; tiếp tục triển khai cơ chế, chính sách để khuyến khích thực hiện các nhiệm vụ KH&CN gắn với DN…