Đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam
23/08/2016
124 Lượt xem
Ngày 10/8/2016, tại Hà Nội, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức hội thảo khoa học “Thực trạng và nhu cầu đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam”.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của mỗi quốc gia, đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển như nước ta, đang đặt ra yêu cầu hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp hiện đại, nhất là những ngành công nghiệp như sản xuất ô tô, xe máy; các sản phẩm điện, điện tử, điện lạnh,... để đạt được mong muốn đó, tất yếu phải thực hiện thành công việc nội địa hóa một cách cơ bản các ngành công nghiệp đó. Muốn vậy, phải đổi mới công nghệ, phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ để các sản phẩm của nó thay thế dần, tiến tới thay thế hoàn toàn các sản phẩm nhập khẩu.
Trong những năm gần đây, xác định được vai trò quan trọng của việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, Nhà nước ta đã ban hành hàng loạt văn bản nhằm đẩy mạnh việc việc đổi mới công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, thời gian qua việc đổi mới công nghệ trong ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam trong thời gian qua còn rất nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp, nhân lực phục vụ công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng…
Bởi vậy, để thúc đẩy các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển cần có những chính sách thiết thực và hiệu quả cũng như các giải pháp hỗ trợ cụ thể về tiêu chuẩn, chất lượng bên cạnh các chương trình quốc gia về KH&CN để các doanh nghiệp có thêm nhiều điều kiện thuận lợi và động lực để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ dựa trên các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh cũng cho biết, công nghiệp hỗ trợ là các ngành công nghiệp cung cấp các yếu tố cần thiết như vật liệu thô, linh kiện, phụ kiện. Công nghiệp hỗ trợ là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa quốc gia.
Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia là đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ với mục tiêu cho vay ưu đãi, bảo lãnh để vay vốn hỗ trợ vốn cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu chuyển giao, đổi mới và phát triển công nghệ. Vì vậy, hội thảo cũng là cơ hội để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiểu thêm khả năng hỗ trợ của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, để trong thời gian tới phối hợp chặt chẽ hơn với Quỹ trong việc xây dựng và triển khai các dự án, các đề tài nhằm giải quyết được các vấn đề về công nghệ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
Các dự án được Quỹ tài trợ gồm các dự án nghiên cứu phát triển công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao của doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm mới, dịch vụ mới, các dự án chuyển giao hoàn thiện sáng tạo công nghệ để sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm và sản phẩm quốc gia. Các đề tài Quỹ tài trợ gồm các đề tài về nghiên cứu, lập dự án nghiên cứu tiền khả thi, dự án khả thi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phát triển công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, các dự án tìm kiếm giải pháp công nghệ, khai thác sáng chế, cải tiến kỹ thuật trong phát triển công nghệ mới và công nghệ tiên tiến.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng, công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nhưng thực tế công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam còn rất khiêm tốn. Bên cạnh đó, do năng lực doanh nghiệp nên thực tế tỉ lệ nội địa hóa trong các doanh nghiệp cũng rất thấp, vẫn phụ thuộc vào nước ngoài. Các sản phẩm doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sản xuất trong nước chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế… Bởi vậy, trong thời gian tới cần phải có các giải pháp cụ thể, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển.