Năm 2011, hầu hết phóng viên câu lạc bộ nhà báo khoa học-công nghệ (KHCN) bình chọn công trình giàn khoan tự nâng 90m nước của Công ty CP chế tạo giàn khoan dầu khí là một trong 10 sự kiện KHCN của năm. 5 năm sau, công trình này giành giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN trong lễ trao giải sắp diễn ra.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên cuối năm 2012, khi được đề nghị nói về công trình KHCN tiêu biểu của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ KHCN khi ấy-ông Nguyễn Quân nêu ngay công trình “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” của kỹ sư Phan Tử Giang (Chủ tịch HĐQT Công ty CP chế tạo giàn khoan dầu khí- PV Shipyard) và 16 đồng tác giả. Theo lời Bộ trưởng Quân, với việc chế tạo và hạ thủy thành công giàn khoan Tam Đảo 03- giàn khoan tự nâng 90m nước đầu tiên, Việt Nam trở thành một trong 4 quốc gia ở châu Á và một trong 10 quốc gia trên thế giới có thể chế tạo được giàn khoan dầu khí tự nâng.
Kỹ sư Phan Tử Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP chế tạo giàn khoan dầu khí kể, tháng 8/2009, ông cùng các cộng sự bắt tay thực hiện dự án giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước với tổng đầu tư 180 triệu USD. Công trình được đánh giá là có độ khó và phức tạp cao, quy mô lớn và lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam. Lúc bấy giờ, cơ sở vật chất thiếu thốn, kinh nghiệm, nhân sự gần như không có, hơn hết nhiều người hoài nghi, không mấy tin tưởng Việt Nam có thể làm được. Để thuyết phục ban lãnh đạo công ty và các chuyên gia nước ngoài, ông và các cộng sự ngay đưa ra kế hoạch chi tiết, bắt đầu tuyển người và xây dựng mới cơ sở vật chất chế tạo giàn khoan. Lúc bấy giờ, tuổi trung bình của đội thiết kế là 28.
Theo ông Giang, giàn khoan dầu khí tự nâng là một thiết bị dầu khí đặc biệt, phức tạp, có khả năng hoạt động độc lập, bảo đảm cho con người sinh sống, làm việc trên giàn khoan như một thành phố thu nhỏ, thường xuyên hoạt động trong môi trường thời tiết khắc nghiệt, trực tiếp đối chọi với sóng gió. Vì vậy, các thiết bị trên giàn khoan phải tuân thủ theo tiêu chuẩn nhất định và phải được tổ chức quốc tế đánh giá. Rào cản lớn nhất về kỹ thuật ở Việt Nam chính là nhiều đơn vị chế tạo được nhưng không được quốc tế chứng nhận. Từ khi có bản vẽ đầu tiên đến khi bàn giao cho chủ đầu tư đều được cơ quan đăng kiểm Hàng hải Hoa Kỳ kiểm soát chặt chẽ, kể cả cái ốc vít. Ông và các cộng sự đã phải bỏ rất nhiều công sức, mày mò, học hỏi từ khâu thiết kế, thi công, lắp đặt với một khối lượng công việc đồ sộ.
Sau ba năm, kỹ sư Phan Tử Giang và các cộng sự đã tạo ra bước ngoặt cho khoa học nước nhà khi thiết kế và chế tạo thành công giàn khoan tự nâng đầu tiên của Việt Nam. Công trình đã được cơ quan đăng kiểm Mỹ (ABS) và đăng kiểm Việt Nam (VR) kiểm định. Giàn khoan Tam Đảo 03 là công trình trọng điểm quốc gia về chế tạo giàn khoan dầu khí tự nâng có khối lượng kết cấu và thiết bị hơn 12.000 tấn. Với chiều cao chân giàn 145m, Tam Đảo 03 có thể hoạt động ở các khu vực nước sâu đến 90m cùng hệ thống khoan có thể khoan sâu đến 6.100m dưới đáy biển. Trong quá trình nghiên cứu, công trình đã thực hiện thành công 11 đề tài cấp Nhà nước và hơn 675 bộ bản vẽ thiết kế chi tiết.
Theo ông Phan Tử Giang, từ trước đến nay, giàn khoan ở nước ta đều phải nhập khẩu 100%. Giàn khoan Tam Đảo 03 nội địa hóa được khoảng 34% (63 triệu USD) bao gồm từ khâu thiết kế, mua sắm máy móc, thi công. Sự lan tỏa của Tam Đảo 03 chính là nắm công nghệ thiết kế để thúc đẩy công nghiệp phụ trợ trong nước. Sản phẩm của công trình được đưa vào hoạt động đã tiết kiệm chi phí cho tổng thầu về nhân công, thuê chuyên gia nước ngoài, vật tư, năng lượng; tiết kiệm chi phí thuê giàn cho chủ đầu tư; giảm chi phí do tăng tỷ lệ nội địa hóa… Trong quá trình thực hiện công trình, đơn vị chủ trì đã hình thành và phát triển được đội ngũ cán bộ nghiên cứu, kỹ sư thiết kế, giám sát và quản lý dự án có chuyên môn, kỹ thuật vững vàng đủ khả năng đảm trách được toàn bộ các công đoạn để chế tạo giàn khoan tự nâng thay thế chuyên gia nước ngoài. Sau dự án Tam Đảo 03, có nhiều đối tác nước ngoài đặt vấn đề chế tạo giàn khoan với công ty.
Mở ra hướng đi mới
Kỹ sư Phan Tử Giang chia sẻ về công trình giàn khoan Tam Đảo 3. Ảnh:Nguyễn Hoài
Việc chế tạo thành công giàn khoan tự nâng 90m nước và đưa vào vận hành, khai thác tạo nên dòng sản phẩm công nghiệp mới của Việt Nam, đồng thời tạo bước đệm giúp PV Shipyard hướng tới chủ động sản xuất các sản phẩm tiếp theo như giàn khoan tự nâng 120m nước (Tam Đảo 05) với trị giá 230 triệu USD. Giàn khoan Tam Đảo 05 vừa được bàn giao cho chủ đầu tư. So với Tam Đảo 3, giàn khoan này có khối lượng gấp 1,5 lần, tổng khối lượng khoảng 18.000 tấn.
Giàn Tam Đảo 05 chịu được điều kiện khắc nghiệt, có thể hoạt động an toàn trong điều kiện bão trên cấp 12. Trong khi với Tam Đảo 3, dự án phải thuê bảy chuyên gia nước ngoài đứng đầu các phân đoạn thiết kế, làm việc 43.000 giờ, thì đến Tam Đảo 5 chỉ thuê hai chuyên gia phụ trách, làm việc 11.000 giờ. Đặc biệt tỷ lệ nội địa hóa ở Tam Đảo 5 lên đến 39% (tương đương 76 triệu USD) và chi phí sản xuất giàn khoan tại Việt Nam bằng Trung Quốc.
Với việc chế tạo thành công giàn khoan Tam Đảo 03, Tam Đảo 05, các kỹ sư của Công ty CP chế tạo giàn khoan dầu khí đã đặt nền móng và đưa ngành chế tạo giàn khoan ở Việt Nam ngang tầm thế giới. Hiện nay, từ thành công trong chế tạo giàn khoan, nhiều hướng đi mới đã được mở ra sửa chữa, hoán cải giàn khoan cũ, áp dụng mô hình giàn khoan mới, dùng cơ chế tự nâng chế tạo tàu thi công công trình ngoài biển…