Sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), dư luận đang rất quan tâm đến việc liệu TPP có thể hồi sinh với phiên bản chỉ 11 nước tham gia hay không.
Trên thực tế, với khung hoạt động hiện tại, TPP không thể tồn tại mà không có sự tham gia của Mỹ. Do đó, giữa tháng 7 vừa qua, các nhà đàm phán đến từ 11 nước thành viên còn lại của TPP đã tụ họp ở Nhật Bản, nhất trí thiết lập một khuôn khổ mới và tiếp tục duy trì thỏa thuận TPP với cái tên “TPP 2.0” hay “TPP-11”, đồng thời dự kiến sẽ tiến hành một cuộc họp khác vào cuối mùa Hè này, trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Việt Nam vào tháng 11 tới.
Các quốc gia thuộc khu vực Thái Bình Dương đều nhất trí rằng tự do thương mại và hội nhập khu vực là những phương pháp hữu hiệu để kích thích trao đổi hàng hóa và đầu tư. Hơn thế nữa, các tiêu chuẩn mới liên quan đến quy tắc thương mại hiện đại trong những lĩnh vực như năng lượng, thương mại điện tử và các điều khoản bảo vệ quyền SHTT, lao động, môi trường trong TPP được cho là những bước tiến đáng kể so với các hiệp định còn nhiều thiếu sót giữa các quốc gia thành viên của TPP, kể cả Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), vốn đã bước sang tuổi thứ 22.
Những người phản đối quốc gia Bắc Mỹ này tham gia vào TPP cho rằng khối lượng nhập khẩu của Canada vượt quá tổng lượng xuất khẩu của nhiều nước thành viên và nếu TPP có hiệu lực, sự mất cân bằng thương mại giữa Canada với các nước này sẽ ngày càng trầm trọng. Theo một nghiên cứu, hàng rào thuế quan được cắt giảm tối đa giữa các nước tham gia TPP có thể làm thâm hụt thương mại giữa Canada với các nước trong khu vực tăng cao vì nhiều sản phẩm Canada nhập khẩu từ các nước thành viên TPP sẽ được đánh thuế thấp hơn các sản phẩm mà Canada xuất sang các nước này. Trường hợp này đã từng xảy ra với Canada sau khi Mexico chính thức tham gia NAFTA vào năm 1994 hay khi Hiệp định Tự do Thương mại Canada-Chile được đưa vào hoạt động năm 1997 và Hiệp định Thương mại Tự do Canada-Peru được kí kết năm 2009.
Theo giới phân tích, Chính phủ Canada cần có cái nhìn sâu hơn về từng ngành công nghiệp để xác định các ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất do TPP và những hậu quả đi kèm với những lợi ích mà Canada giành được khi tham gia hiệp định bởi lẽ mỗi ngày, Canada và các đối tác thương mại trao đổi hàng trăm mặt hàng khác nhau.
Trên thực tế, thị phần của Canada trong thị trường của các nước thành viên là khá nhỏ. Ngoài Mexico và Nhật Bản chiếm tương ứng 3,3% và 2,3% tổng thương mại hàng hoá của Canada trong năm 2014 thì những nước thành viên khác chỉ chiếm chưa đến 0,4% thương mại hàng hóa của Canada. Mặc dù các thành viên của TPP thuộc khu vực châu Á có thể xâm chiếm thị trường cung cấp các mặt hàng thương mại của Canada nhưng nếu Canada quyết định không tham gia TPP phiên bản mới, thị phần của Canada vẫn không thể được giữ toàn vẹn. Trên thực tế, những tổn thất thương mại của Canada có thể được bù đắp bởi sự tiếp cận rộng rãi hơn trên các thị trường mới.
Trong khi đó, Mỹ chỉ muốn đàm phán hiệp định song phương với một số nước, đặc biệt là Nhật Bản. Hậu quả là Canada và các quốc gia đã có thoả thuận thương mại song phương với Mỹ đều gặp phải tình huống “khóc dở, mếu dở”. Do Nhật Bản cùng với New Zealand đã phê chuẩn thoả thuận ban đầu, giới phân tích cho rằng Canada vẫn nên tham gia vào TPP-11, đặc biệt sau khi mất đi vị thế trên thị trường của hiệp định đa phương NAFTA. Hơn nữa, một hiệp định TPP-11 có thể sẽ giúp các công ty của Canada có cơ hội tự do tiếp cận với các thị trường thuộc khu vực Thái Bình Dương.
Sau 2 ngày làm việc tại thủ đô Tokyo, các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã nhất trí gặp lại nhau tại Nhật Bản vào tháng 10-2017, nhằm đạt được mục tiêu đi đến ký kết một thỏa thuận thương mại mới bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Việt Nam vào tháng 11-2017.
Tại vòng đàm phán ở Tokyo (Nhật Bản), 3 nhóm công tác về luật pháp, SHTT và các vấn đề khác đã được thảo luận theo hơn 50 đề mục yêu cầu của các nước thành viên, về việc "đóng băng" một phần thỏa thuận ban đầu, trong đó gồm nhiều điều khoản do phía Mỹ đề xuất. Trang Nikkei dẫn một nguồn thạo tin cho biết, đàm phán về sở hữu trí tuệ và các vấn đề pháp lý đã gần đi tới hồi kết. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận về các lĩnh vực khác như điều chỉnh doanh nghiệp nhà nước, tự do hóa chi tiêu chính phủ trở nên phức tạp, phần vì đây là lần đầu tiên các vấn đề này được đưa ra thảo luận lại.
Ngoài ra, các nước tham gia đàm phán TPP cũng đang chia thành hai luồng ý kiến khác nhau. Một vài quốc gia mong muốn đàm phán lại nội dung thỏa thuận này với sự tham gia của 11 nước thay vì 12 nước như trước đây. Nội dung TPP ban đầu bao gồm nhiều điều khoản đạt được dưới sức ép của Mỹ, đặc biệt là các cam kết về thể chế và quy định liên quan tới đầu tư, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường. Vào thời điểm đó, nhiều nước chấp nhận đánh đổi nhằm nhận được lợi ích to lớn từ thị trường Mỹ. Nhưng khi xứ Cờ hoa thoái lui, việc tiếp tục duy trì các quy định trên không còn phù hợp với thực tế.
Các nhà đàm phán cũng cần xem xét việc làm thế nào để thỏa thuận mới này chính thức có hiệu lực. Điều khoản ban đầu của TPP yêu cầu cần ít nhất 6 quốc gia phê chuẩn để có hiệu lực, chiếm 85% GDP kết hợp của các bên tham gia. Điều kiện này khó lòng đạt được sau khi Mỹ - quốc gia chiếm hơn 60% tổng GDP của các thành viên ban đầu - rút khỏi Hiệp định.
Tiến trình thảo luận cũng sẽ khó khăn hơn khi những vấn đề gai góc như thuế và hạn ngạch đối với hàng nông sản nhập khẩu được đưa lên bàn đàm phán. Ở thời điểm hiện tại, không dễ dàng chút nào với 11 nước thành viên còn lại của TPP trong việc nhất trí về những điều cần thực hiện ngay và những điều nên "bỏ ngỏ" để chờ động thái của Mỹ.