Hạt phân bón thủy tinh không gây ô nhiễm môi trường
31/03/2025
7 Lượt xem
Phân bón thông thường được bón cho cây trồng dưới dạng lỏng, bột hoặc hạt, là nguồn gây ô nhiễm chính vì các hóa chất không giải phóng hết chất dinh dưỡng trước khi ngấm xuống đất hoặc bốc hơi vào khí quyển. Điều đó gây ô nhiễm nguồn nước và dẫn đến các tình trạng như tảo nở hoa. Hơn nữa, do phần lớn hàm lượng dinh dưỡng của phân bón không hấp thụ bởi rễ cây chỉ trong một lần bón nên nông dân phải bón nhiều lần để đạt hiệu quả như mong đợi. Bón phân nhiều lần không chỉ thải ra các chất ô nhiễm vào môi trường mà còn khiến người nông dân tốn kém thêm chi phí. Để xử lý vấn đề này, các nhà khoa học Braxin đã tạo ra một loại phân bón giải phóng chậm dạng hạt thủy tinh nhỏ.
Nhóm nghiên cứu đã sản xuất một mảnh thủy tinh oxit hòa tan trong nước chứa các chất dinh dưỡng phổ biến trong phân bón như phốt pho, canxi và kali. Sau đó, mảnh thủy tinh được nghiền thành các hạt có chiều rộng từ 0,85 đến 2 mm để khi các hạt đó hòa tan trong đất ẩm, chúng sẽ giải phóng dần dần các chất dinh dưỡng.
Với các thử nghiệm trong nhà kính, các ô cỏ Palisade chỉ được bón một lần hạt phân bón thủy tinh hoặc phân bón dạng lỏng có chứa cùng một lượng chất dinh dưỡng. Tất cả các ô cỏ đều được cắt và thu hoạch sau 45 ngày, tiếp đến là bốn lần thu hoạch khác được thực hiện theo chu kỳ 30 ngày một lần (để cỏ mọc lại giữa các lần thu hoạch).
Mặc dù cả hai dạng phân bón đều thúc đẩy sự sinh trưởng của cỏ ngay sau khi bón phân, nhưng các ô đất được bón hạt thủy tinh, đã tạo ra nhiều sinh khối hơn khoảng 70% khi đo trong năm vụ thu hoạch. Quan trọng là các hạt được đất hấp thụ vô hại khi chúng hòa tan. Trong các thử nghiệm độc tính sinh thái trên hạt rau diếp và hạt hành tây, các hạt thủy tinh không gây ảnh hưởng đến tỷ lệ nảy mầm hoặc sức khỏe tế bào so với phân bón truyền thống.
Hơn nữa, các hạt phân bón thủy tinh cũng có thể giúp cây phát triển bằng cách sục khí cho rễ cây. Các nhà khoa học đã lấy cảm hứng từ một nghiên cứu trước đây, trong đó các hạt thủy tinh của chai tái chế đã được chứng minh là giúp cung cấp oxy cho rễ cây trong khi vẫn duy trì độ ẩm tối ưu.