Hệ thống cần trục lắp đặt turbine gió khổng lồ ngoài khơi
01/04/2024
87 Lượt xem
Công ty Na Uy phát triển hệ thống gồm khung nhôm, cần trục và một số công cụ khác giúp giảm 50% chi phí lắp đặt turbine gió ngoài khơi.
Hệ thống cần trục lắp đặt turbine gió ngoài khơi. Ảnh: Windspider
Một nguyên nhân khiến điện gió ngoài khơi đắt đỏ là việc lắp đặt turbine đòi hỏi những chiếc tàu cần trục đồ sộ. Để khắc phục, công ty Na Uy Windspider phát triển một hệ thống cần trục siêu nhẹ hứa hẹn giúp giảm một nửa chi phí, New Atlas hôm 26/3 đưa tin. Công ty này vừa nhận được nguồn tài trợ đáng kể để phát triển và chế tạo hệ thống kích thước đầy đủ đầu tiên.
Thế hệ turbine gió ngoài khơi mới đang tăng kích thước đến mức đáng kinh ngạc. Chúng gồm những cột trụ khổng lồ, thậm chí cao hơn một số tòa nhà chọc trời, trên đỉnh là hộp phát điện với 3 cánh quạt đủ dài để quét đường kính hơn 310 m. Nâng những máy phát điện và cánh quạt khổng lồ lên đỉnh cột trụ là một thử thách không hề nhỏ, chưa kể công việc này còn được thực hiện từ một con tàu cần trục nhấp nhô trên sóng. Những chiếc tàu cần trục lớn như vậy có thể tiêu tốn hàng triệu USD mỗi ngày.
Giải pháp của WindSpider là xây một bộ khung ngoài bằng nhôm xung quanh cột trụ. Bộ khung này gồm những đoạn giống như chiếc lồng, tương đối nhẹ và dễ xử lý, đồng thời không yêu cầu phải sửa đổi thiết kế turbine như phương pháp dùng cần trục leo.
Trên đỉnh bộ khung là một cần trục hạng nặng, có thể điều chỉnh để xử lý tải trọng trên 1.500 tấn. Cần trục này có thiết kế ôm từ hai phía, khoảng trống ở giữa đủ rộng để nâng hộp phát điện lên và đặt vào vị trí trên đỉnh cột trụ của turbine.
Công cụ cánh quạt của WindSpider giúp nâng cánh turbine gió lên cao. Ảnh: Windspider
Khi công đoạn lắp đặt hộp phát điện hoàn thành, "công cụ cánh quạt" của WindSpider sẽ kẹp từng cánh turbine từ boong tàu để kéo lên. Công cụ này bám vào một bên của bộ khung và mang theo cánh quạt trèo lên, xoay đúng vị trí để gắn vào hộp phát điện. WindSpider thiết kế công cụ này vì việc nâng những cánh quạt khổng lồ bằng cần trục ở khu vực nhiều gió có thể rất khó khăn. Ngoài ra, WindSpider còn thiết kế một công cụ khác, cũng bám vào một bên của bộ khung để lên xuống, giúp tháo dỡ và thay thế các bộ phận của hộp phát điện có thể nặng đến 400 tấn trong quá trình bảo trì.
WindSpider tin rằng hệ thống mới có thể hoạt động ở độ cao hơn 200 m. Công ty cũng cho biết, hệ thống sẽ giúp giảm hơn 50% chi phí lắp đặt và bảo trì cho các turbine cố định cũng như turbine nổi.