Hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số
09/05/2024
87 Lượt xem
Bộ KH&CN sẽ hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ KHCN tại các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt làm việc với UBND tỉnh Gia Lai - Ảnh: VGP/HG
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai nhằm trao đổi kinh nghiệm về tổ chức quản lý hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo; bàn những giải pháp để KHCN và đổi mới sáng tạo phục vụ tốt nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long cho biết, Gia Lai là tỉnh gắn với nông nghiệp, do đó triển khai các nhiệm vụ, đề tài KHCN của tỉnh từ ứng dụng, nghiên cứu, chuyển giao đều hướng tới hỗ trợ người dân trong vấn đề canh tác, trồng trọt, chế biến. Bên cạnh đó, Gia Lai cũng đẩy mạnh hoạt động đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.
Theo báo cáo của Sở KH&CN tỉnh Gia Lai, trong thời gian qua, nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ đã được chuyển giao, ứng dụng hiệu quả vào sản xuất, kinh doanh, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá, sức cạnh tranh của các sản phẩm ưu thế, chủ lực của tỉnh, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (cà phê, hạt điều, macca, hồ tiêu, rau quả…); hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng chế biến nông lâm thuỷ sản; đồng thời với phát triển du lịch sinh thái, kinh tế xanh…
Giai đoạn 2020-2024, ngành KHCN quản lý triển khai thực hiện 41 nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh, hầu hết được thực hiện theo cơ chế đề xuất đặt hàng và có cam kết ứng dụng, nhân rộng kết quả nghiên cứu sau khi nhiệm vụ KHCN hoàn thành; một số nhiệm vụ đạt kết quả đáng khích lệ.
Công tác bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được tỉnh Gia Lai đặc biệt quan tâm. Giai đoạn 2020-2023, tỉnh đã tổ chức lập hồ sơ xác lập quyền cho 10 sản phẩm địa phương, hiện này 100% sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã được hướng dẫn xây dựng nhãn hiệu.
Hiện Gia Lai có 1.516 nhãn hiệu có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, trong đó có 693 nhãn hiệu đã có văn bằng bảo hộ, 3 chỉ dẫn địa lý, 5 sáng chế, 2 giải pháp hữu ích, 27 kiểu dáng công nghiệp…
Thời gian tới, tỉnh mong muốn ứng dụng KHCN để tạo khâu đột phá trong phát triển nông nghiệp của tỉnh, đặc biệt đặt trong thời điểm biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL đang diễn ra.
Tỉnh cũng đề xuất Bộ KH&CN hỗ trợ một số nhiệm vụ: Nghiên cứu cơ sở khoa học phục hồi và quản lý bền vững hệ sinh thái rừng khộp tại Gia Lai; khai quật, nghiên cứu, tư vấn bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích sơ kỳ Đá cũ An Khê trên địa bàn tỉnh; triển khai các dự án, nhiệm vụ KHCN thuộc các chương trình KHCN quốc gia, nhằm từng bước nâng cao nâng lực và tiềm lực KHCN địa phương, nhất là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, những năm gần đây, vùng Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Gia Lai được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Tại các nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ về vùng Tây Nguyên, các nội dung về KHCN và đổi mới sáng tạo được xác định rất rõ nét, là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của Tây Nguyên.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện nay, Bộ KH&CN đang được Chính phủ giao lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật KH&CN 2013 (sửa đổi); sửa đổi Nghị định về đầu tư và cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN, Nghị định về hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo…
Để triển khai thực hiện tốt nội dung trên, Bộ KH&CN mong muốn lắng nghe thuận lợi, nhìn nhận những khó khăn hạn chế, tồn tại trong hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo tại địa phương, trên cơ sở đó, tìm kiếm các giải pháp, định hướng phát triển trong thời gian tới.
Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm, đầu tư kinh phí, nhân lực cho hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo.
Trong đó, tập trung các nguồn lực đề triển khai các định hướng phát triển KHCN chủ yếu, như nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ trong sản xuất, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi; dược liệu; nông nghiệp thông minh; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng thương hiệu, ứng dụng chuyển giao công nghệ tạo ra các sản phẩm hàng hóa, nhất là các sản phẩm chủ lực của tỉnh...
Bộ KH&CN nhất trí với đề xuất của tỉnh Gia Lai về việc hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ KHCN tại các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Đề nghị tỉnh Gia Lai căn cứ vào mục tiêu, nội dung và kết quả dự kiến của các chương trình KHCN cấp quốc gia do Bộ KH&CN ban hành để xây dựng đề xuất các nhiệm vụ KHCN và gửi về Bộ để tiến hành các bước xác định nhiệm vụ theo quy định.