Hoa Kỳ công bố tiêu chuẩn khắt khe đối với “hóa chất vĩnh viễn” có trong nước máy
02/05/2024
63 Lượt xem
Chính quyền Tổng thống Joe Biden mới đây đã công bố các tiêu chuẩn đầu tiên đối với nước máy trên toàn quốc nhằm bảo vệ người dân khỏi các “hóa chất vĩnh viễn” gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe, từ ung thư đến gây hại cho sự phát triển của trẻ.
Chất per- và polyfluoroalkyl (PFAS) ở dạng vô hình và xuất hiện trong nguồn cung cấp nước, đất, không khí và thực phẩm. Chúng tích tụ bên trong cơ thể con người và không bao giờ phân hủy trong môi trường. Quy định mới của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) sẽ giảm mức độ phơi nhiễm PFAS trong nguồn cung cấp nước của khoảng 100 triệu dân, ngăn ngừa hàng nghìn ca tử vong và hàng chục nghìn ca mắc bệnh nặng.
Quy định hạn chế 5 loại PFAS trong nước uống
Trong số 5 loại PFAS, có 2 loại phổ biến bao gồm PFOA, chất gây ô nhiễm trước đây dùng cho chảo Teflon chống dính và PFOS, hợp chất từng được sử dụng trong lớp phủ để bảo vệ quần áo và thảm có trong chai xịt tẩy Scotchgard 3M và bọt chữa cháy. Quy định đưa ra mức tối đa cho hai loại PFAS nêu trên là 4 phần nghìn tỷ (ppt), thấp hơn nhiều so với quy định tại Canada với 200 ppt đối với PFOA và 600 ppt với PFOS. Ở Hoa Kỳ, 11 tiểu bang đã đề ra quy định riêng về nồng độ PFAS.
Chính quyền cũng tuyên bố sẽ tài trợ thêm 1 tỷ USD để hỗ trợ các bang cấp kinh phí cho các hệ thống phát hiện và xử lý theo các tiêu chuẩn mới. Tuy nhiên, EPA đang đánh giá thấp quá mức chi phí tuân thủ các quy định mới. Theo Robert Powelson, Chủ tịch và cũng là Giám đốc điều hành của Hiệp hội các công ty nước quốc gia, việc tuân thủ các quy định mới này sẽ tiêu tốn hàng tỷ đô la.
Tình trạng các nguồn cung cấp nước ô nhiễm PFAS đã ảnh hưởng đến các cộng đồng như Oakdale và Minnesota, nơi chất thải PFAS do một nhà máy hóa chất thải ra đã làm gia tăng bệnh ung thư ở trẻ em. Nhiều bằng chứng khoa học đáng kinh ngạc cho thấy mối liên hệ giữa PFAS không chỉ với bệnh ung thư mà còn với các tác hại khác đối với sức khỏe, tác động đến việc phát triển và hiệu quả của vắc xin. 20% trường hợp phơi nhiễm PFAS là do nước uống, phần còn lại đến từ các nguồn khác bao gồm thực phẩm, bao bì thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng và bụi trong nhà. Theo cơ sở dữ liệu hóa chất do EPA xây dựng, tổng cộng, có gần 15.000 loại PFAS, nhưng cần nghiên cứu thêm để xác định đầy đủ tất cả các tác hại của chúng.