Ngày 30/5/2024 tại TP. Geneva của Thụy Sĩ, Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu về Trí tuệ Nhân tạo (AI) năm 2024 đã chính thức được khia mạc. Hội nghị năm nay thúc đẩy AI vì các ưu tiên phát triển toàn cầu như y tế, khí hậu, bình đẳng giới, thịnh vượng toàn diện và cơ sở hạ tầng bền vững.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres
Hội nghị do Chính phủ Thụy Sĩ và Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) thuộc Liên hợp quốc đồng tổ chức, phối hợp với 40 cơ quan của Liên hợp quốc, nhằm mục đích thúc đẩy AI vì các ưu tiên phát triển toàn cầu như y tế, khí hậu, bình đẳng giới, thịnh vượng toàn diện và cơ sở hạ tầng bền vững.
Phát biểu qua video tại Hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã nhấn mạnh: “AI đang thay đổi thế giới và cuộc sống của chúng ta và nó có thể thúc đẩy sự phát triển bền vững”. Ông nhấn mạnh tiềm năng của công nghệ này trong việc cải thiện chất lượng giáo dục và chăm sóc sức khỏe ở vùng sâu vùng xa, tăng năng suất trong nông nghiệp và phát triển hệ thống cảnh báo sớm về thiên tai.
Ông António Guterres nói: AI đang thay đổi thế giới, từ việc đưa giáo dục và chăm sóc sức khỏe đến các vùng xa xôi, đến việc giúp nông dân tăng năng suất mùa màng… từ việc thiết kế nhà ở và phương tiện giao thông bền vững đến việc cung cấp cảnh báo sớm về thiên tai… Nhưng để biến tiềm năng của nó thành hiện thực, cần có AI giúp giảm sự thiên vị, thông tin sai lệch và các mối đe dọa về an ninh - thay vì làm trầm trọng thêm chúng. Nó cũng đòi hỏi phải giúp các nước đang phát triển khai thác AI cho chính họ; Kết nối những nơi chưa được kết nối; Xây dựng năng lực - về sức mạnh tính toán, dữ liệu và quản trị; Và tạo ra các động lực để các nhà phát triển và triển khai AI chia sẻ lợi ích tại địa phương. Chúng ta cần sự phối hợp toàn cầu để xây dựng AI an toàn và toàn diện, có thể tiếp cận được với tất cả mọi người. Tôi muốn ghi nhận đóng góp ban đầu của Liên minh Viễn thông Quốc tế về các tiêu chuẩn AI. Cơ quan tư vấn của tôi về AI đã gặp gỡ nhiều tổ chức và đã xác định những hướng đi chính để tăng cường quản trị AI. Cơ quan này khuyến nghị một Ban khoa học quốc tế về AI sẽ tiến hành đánh giá rủi ro và cơ hội độc lập; Một cuộc đối thoại có cấu trúc kết nối các sáng kiến quản trị và hài hòa các tiêu chuẩn xuyên biên giới và lĩnh vực; Và một nỗ lực lớn về xây dựng năng lực, với nguồn tài trợ để đáp ứng quy mô của thách thức. Hội nghị thượng đỉnh tương lai vào tháng 9 tới sẽ chứng kiến sự thống nhất về Hiệp ước kỹ thuật số toàn cầu – một cơ hội để đặt nền móng cho quản trị AI toàn cầu. Cùng nhau, chúng ta có thể khai thác AI để giúp đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững và không bỏ lại ai phía sau.
Với hơn 2.500 người dự kiến tham dự, trong đó có các quan chức chính phủ, chuyên gia và nhân vật có ảnh hưởng trong ngành AI, hội nghị này hứa hẹn mang lại những ý kiến quan trọng và giải pháp đổi mới để áp dụng AI vào các lĩnh vực quan trọng.
Trong khuôn khổ Hội nghị có triển lãm sản phẩm robot AI cho thấy phần nào về một tương lai nơi công nghệ AI có thể hỗ trợ và thậm chí thay đổi cuộc sống hàng ngày của con người.
Trong một diễn biến trước đó vào tháng 11 năm 2023, Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu về AI đã được tổ chức lần đầu tiên tại Vương quốc Anh. Hội nghị này đã đặt ra "Tuyên bố Bletchley", khuyến khích sự minh bạch và trách nhiệm trong việc phát triển công nghệ AI, cũng như kêu gọi các tiêu chuẩn quốc tế và hành động tại các hội nghị thượng đỉnh của thế giới để quản lý và sử dụng AI một cách có trách nhiệm và bền vững.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ AI cũng gây ra nhiều lo ngại về việc lạm dụng và sử dụng không đạo đức. Mặc dù nhiều người kỳ vọng vào tiềm năng của AI để cải thiện cuộc sống và hoạt động kinh doanh, nhưng cũng có những lo ngại về việc sử dụng AI để tạo ra thông tin giả mạo và tác động xấu đến xã hội. Do đó, việc thiết lập các tiêu chuẩn và quy định quốc tế để hướng dẫn việc phát triển và sử dụng AI một cách có trách nhiệm và đạo đức trở nên càng quan trọng hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh này, việc đề xuất các tiêu chuẩn quốc tế và thúc đẩy sự hợp tác quốc tế trong việc quản lý và sử dụng AI là rất cần thiết để bảo đảm rằng sự phát triển của công nghệ này là bền vững và mang lại lợi ích cho toàn cầu.