Hội thảo trực tuyến “Chuyển đổi số góp phần tăng trưởng thị trường của doanh nghiệp sau đại dịch”
10/09/2021
211 Lượt xem
Sáng ngày 09/9/2021, Sở Khoa học và Công nghệ TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu (Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) tổ chức hội thảo trực tuyến “Chuyển đổi số góp phần tăng trưởng thị trường của doanh nghiệp sau đại dịch”.
Hội thảo nhằm góp phần cung cấp thông tin hỗ trợ doanh nghiệp về giải pháp chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, truyền cảm hứng và gợi mở các ý tưởng phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ, phục vụ chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; đồng thời kết nối cung - cầu công nghệ về chuyển đổi số.
Các diễn giả và báo cáo trình bày tại hội thảo bao gồm: “Giới thiệu dịch vụ tư vấn chuyển đổi số cho các doanh nghiệp” - trình bày ông Vương Quân Ngọc – FPT Digital; “Tác động của đại dịch đến hành vi tiêu dùng khách hàng – Case study từ analogue đến digital của ngành ngân hàng” – trình bày bà Nguyễn Thị Yến Ngọc – Ngân hàng Citibanks; “Trí tuệ nhân tạo – Giải pháp bứt phá sau đại dịch”- trình bày ông Nguyễn Tấn Hưng - FPT Smart Clouds; “Tối ưu hóa năng suất lao động nhân viên y tế trong mùa dịch bằng trí tuệ nhân tạo” – trình bày ông Đinh Thành Công – Công ty Workforce Optimizer Singapore; “Bảo mật dữ liệu doanh nghiệp khi chuyển đổi số” – trình bày ông Nguyễn Hải Nam – FPT Smart Cloud.
Ông Vương Quân Ngọc trình bày bài Giới thiệu dịch vụ tư vấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
Theo ông Vương Quân Ngọc, đại dịch Covid-19 đã kéo theo sự thay đổi lớn trong cách thức kinh doanh của các công ty ở mọi lĩnh vực. Các ngành nghề đẩy mạnh chuyển đổi số đáng kể nhất để đáp ứng với Covid-19 là các công ty công nghệ, năng lượng, y tế, xây dựng, bán lẻ. Việc chuyển đổi số tập trung vào nâng cao khả năng vận hành (tăng cường khả năng cộng tác và làm việc từ xa, ứng dụng công nghệ mới tự động hóa hoạt động vận hành,...); nâng cao trải nghiệm khách hàng; nâng cao năng lực bảo mật hệ thống thông tin. Hiện nay có 8 xu hướng chuyển đổi số chung mà các doanh nghiệp hướng đến là: nhà máy vận hành tối ưu và liên tục; siêu ứng dụng quản lý khách hàng của công ty; quản lý kho tự động và thông minh, dễ dàng kiểm soát bằng thiết bị cầm tay; gắn kết và trải nghiệm nhân viên, giữ chân nguồn lực cấp cao; bán hàng trải nghiệm đa kênh, đặc biệt là kênh online; kết nối mạng lưới nhà cung cấp và đại lý chung trong một hệ thống; Covid không làm ảnh hưởng đến vận hành và bán hàng; mục tiêu tăng trưởng đột biến về kinh doanh.
Tuy nhiên, ông Ngọc cho biết, chuyển đổi số bản chất không phải là một việc dễ dàng. Khoảng hơn 70% doanh nghiệp gặp thất bại khi thực hiện chuyển đổi số. Có 2 lý do chính khiến chuyển đổi số thất bại: không đạt được sự thống nhất, đồng thuận về tầm nhìn và mục tiêu cho chuyển đổi số; thiếu sự liên kết và hoạch định nguồn lực giữa các giai đoạn thử nghiệm và mở rộng quy mô. Do đó, chuyển đổi số là một quá trình, cần dựa trên một kế hoạch rõ ràng, đầu tiên khơi dậy phải ở quyết tâm của chính người lãnh đạo, người đứng đầu doanh nghiệp. Các yếu tố đảm bảo thành công trong chuyển đổi số là: đảm bảo chuyển đổi số đi theo đúng định hướng và chiến lược kinh doanh chung, phù hợp với thị trường và tạo vị thế dẫn đầu công nghệ; đảm bảo tính khả thi trong giai đoạn triển khai, đạt được sự ủng hộ của đội ngũ; xác định rõ mục tiêu ở từng giai đoạn; hoạch định và chuẩn bị nguồn nhân lực thực hiện.
Sau phần trình bày báo cáo, các chuyên gia cùng các tổ chức, doanh nghiệp đã trao đổi, thảo luận về những nhu cầu chuyển đổi số trong doanh nghiệp hiện nay; những thay đổi để thích ứng với đại dịch; giải pháp nâng cao nhận thức chuyển đổi số trong nội bộ tổ chức doanh nghiệp để hướng đến xây dựng mô hình chuyển đổi số một cách hiệu quả, phù hợp với những biến đổi của thị trường sau đại dịch.