IAEA cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia
10/10/2016
128 Lượt xem
Ngày 29/9/2016, ngày làm việc thứ tư của Khóa họp lần thứ 60 Đại hội đồng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), Đoàn Việt Nam đã có một số hoạt động quan trọng.
Bên lề Khóa họp, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, Trưởng đoàn Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Aldo Malavasi, Phó Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế kiêm Vụ trưởng Vụ Khoa học và ứng dụng hạt nhân. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đã cảm ơn những hỗ trợ của IAEA dành cho Việt Nam đối với các ứng dụng khoa học và công nghệ hạt nhân trong các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, công nghiệp… cũng như xây dựng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực kỹ thuật hạt nhân của cán bộ Việt Nam. IAEA đã và đang tích cực hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật triệt sản côn trùng (SIT). Kỹ thuật này rất có ý nghĩa đối với việc bảo đảm chất lượng của trái cây và giảm được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm cây ăn quả đồng thời hỗ trợ cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Thứ trưởng đánh giá cao nỗ lực của IAEA nói chung và của ông Malavasi nói riêng trong việc tìm kiếm thêm tài trợ từ Liên minh châu Âu để triển khai mở rộng dự án trên. Chia sẻ quan điểm này của phía Việt Nam, ông Malavasi cũng cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực cùng với Việt Nam để sớm đạt được sự đồng thuận của Liên minh châu Âu trong thực hiện dự án này. Bên cạnh đó, hai bên cũng trao đổi khả năng IAEA hỗ trợ cho Việt Nam xây dựng một trung tâm đào tạo về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân của khu vực Đông Nam Á đặt tại Việt Nam.
Cùng ngày, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đã gặp ông Dazhu Yang, Phó Tổng Giám đốc IAEA kiêm Vụ trưởng Vụ Hợp tác kỹ thuật. Hai bên vui mừng nhận thấy kể từ khi Khung Chương trình quốc gia hợp tác giữa Việt Nam và IAEA giai đoạn 2016-2021 được ký kết, hai bên đã tích cực triển khai 7 dự án hỗ trợ kỹ thuật quốc gia VIE, đồng thời Việt Nam đã tham gia nhiều dự án Vùng, Liên Vùng (RAS, INT). Trong giai đoạn 2018 - 2019, sẽ có 06 dự án mới do Việt Nam đề xuất và đã được IAEA phê duyệt. Đó là các dự án thuộc các lĩnh vực: cơ sở hạ tầng hạt nhân, nâng cao năng lực an toàn bức xạ và hạt nhân của cơ quan pháp quy hạt nhân, an toàn lò phản ứng nghiên cứu, y tế, an toàn lương thực, v.v. Ông Yang cũng bày tỏ luôn ủng hộ các dự án của Việt Nam nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.
Cũng trong ngày 29/9, đoàn đại biểu của Việt Nam đã làm việc với ông Sekhar Basu, Chủ tịch Ủy ban năng lượng nguyên tử, Bộ trưởng Bộ Năng lượng nguyên tử Ấn Độ, Từ năm 1986, Việt Nam và Ấn Độ đã ký Hiệp định Chính phủ về hợp tác lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Sau 30 năm triển khai, đến nay, Hiệp định này đã bộc lộ một số bất cập không phù hợp với tình hình mới của cả hai quốc gia. Hai bên cùng bày tỏ mong muốn sớm có thể ký kết Hiệp định này trong năm 2016 làm cơ sở pháp lý cho nhiều hoạt động hợp tác cụ thể sau này.
Bên cạnh đó, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) đã có buổi làm việc với ông Raja Abdul Aziz Raja Adnan, Trưởng Ban An ninh hạt nhân, Vụ An toàn và An ninh hạt nhân (IAEA). Tại buổi làm việc, Cục ATBXHN đã cảm ơn IAEA, đặc biệt là Ban An ninh hạt nhân và các chuyên gia IAEA đã hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động liên quan đến an ninh hạt nhân trong khuôn khổ bản Kế hoạch hỗ trợ an ninh hạt nhân tích hợp (INSSP) giữa IAEA và Việt Nam và thông báo tình hình hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và IAEA trong lĩnh vực này, bao gồm: Bảo đảm an ninh hạt nhân Lễ hội Đền Hùng, tháng 4/2016; Hoàn thành lắp đặt thêm 04 cổng phát hiện phóng xạ tại Sân bay quốc tế Nội Bài, trong đó toàn bộ hệ thống hoạt động tương đối ổn định; Thực hiện khảo sát kỹ thuật để lắp đặt cổng phát hiện phóng xạ cho Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng. Dự kiến sẽ lắp đặt cổng phát hiện phóng xạ cho Sân bay Tân Sơn Nhất vào cuối năm 2016; Thực hiện triển khai dự án RADLOTS giữa IAEA, Cục ATBXHN và Viện An toàn hạt nhân Hàn Quốc (KINS) trong lắp đặt thiết bị định vị nguồn phóng xạ di động; Hỗ trợ đào tạo cho cán bộ về vận hành và bảo trì các cổng phát hiện phóng xạ, xây dựng năng lực về phát hiện của quốc gia.
Các hoạt động trên đã góp phần nâng cao năng lực về phát hiện và ứng phó phóng xạ cũng như nâng cao kiến thức về bảo vệ thực thể của Việt Nam nói chung và Cục ATBXHN nói riêng./.