ISO 8472-1 - tiêu chuẩn đầu tiên trên thế giới về dữ liệu tế bào gốc
05/11/2024
21 Lượt xem
Mới đây, Viện Nghiên cứu Động vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc thông báo nước này chính thức công bố tiêu chuẩn ISO 8472-1. Đây là tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên trên thế giới về dữ liệu tế bào gốc. Theo viện trên, tiêu chuẩn này dự kiến sẽ nâng cao công tác quản lý dữ liệu tế bào gốc toàn cầu, đồng thời đóng góp vào sự tiến bộ của nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc.
ISO 8472-1 do chuyên gia các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Vương quốc Anh, Mỹ, Pháp và một số quốc gia khác xây dựng, tạo khuôn khổ cho khả năng trao đổi an toàn dữ liệu tế bào gốc.
ISO 8472-1, tiêu chuẩn đầu tiên trên thế giới về dữ liệu tế bào gốc.
Tiêu chuẩn này có thể được áp dụng cho các cơ sở dữ liệu liên quan, hệ thống quản lý dữ liệu, giao diện web và nhiều ứng dụng khác trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc. Trong bối cảnh công nghệ sinh học phát triển nhanh chóng trên toàn thế giới, dữ liệu tế bào gốc đang gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, thế giới đang thiếu các tiêu chuẩn quốc tế về dữ liệu tế bào gốc, dẫn đến các vấn đề như dữ liệu không được quản lý, hoạt động chia sẻ và ứng dụng dữ liệu chưa hiệu quả.
Theo Viện Nghiên cứu Động vật, ban hành ISO 8472-1 sẽ cung cấp tiêu chuẩn và hướng dẫn cho việc quản lý dữ liệu trong lĩnh vực tế bào gốc và tạo khuôn khổ có hệ thống để xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế tiếp theo cho dữ liệu tế bào gốc.
Có thể hiểu, tế bào gốc được xem là nguyên liệu “thô” của cơ thể mà từ đó tất cả các loại tế bào khác với chức năng chuyên biệt được tạo ra. Ở các điều kiện thích hợp trong cơ thể hoặc phòng thí nghiệm, tế bào gốc phân chia tạo ra nhiều tế bào hơn gọi là các tế bào khác nhau.
Các tế bào ở "thế hệ sau" hoặc trở thành tế bào gốc mới (tự tái tạo) hoặc trở thành tế bào chuyên biệt (biệt hóa) với chức năng đặc hiệu như tế bào máu, tế bào não, tế bào cơ tim hoặc xương. Không có loại tế bào nào khác ngoài tế bào gốc có khả nặng tự nhiên này. Hiện nay, rất nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu đang tìm hiểu về loại tế bào này với mục đích nhân đạo, tìm ra các phương pháp chữa bệnh nan y đối với con người.