Khẳng định hiệu quả từ các Chương trình KH&CN; trọng điểm cấp nhà nước
13/09/2016
106 Lượt xem
Ngày 10/9/2016, tại Hà Nội, Bộ KH&CN đã tổ chức Hội nghị Tổng kết các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011-2015.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đánh giá cao những kết quả đạt được của các Chương trình trong giai đoạn vừa qua; đồng thời khẳng định, dù nguồn lực đất nước còn hạn chế, Nhà nước đã dành lượng kinh phí khá lớn cho các chương trình trọng điểm cấp nhà nước; nhờ đó đã thu được những thành tựu đáng kể, không chỉ ở số công trình công bố quốc tế mà còn ở những đóng góp thiết thực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước...
Tại Hội nghị, Giám đốc Văn phòng Các chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước Nguyễn Thiện Thành cho biết, trong giai đoạn 2011-2015 đã triển khai 15 Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước, gồm 10 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ (chương trình KC), 5 chương trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (chương trình KX). Trong đó, 10 chương trình KC đã phê duyệt, triển khai 329 nhiệm vụ (257 đề tài và 72 dự án); 5 chương trình KX đã phê duyệt, triển khai 101 nhiệm vụ; đã huy động sự tham gia của 5.300 nhà khoa học, thuộc 1.200 viện nghiên cứu/trường đại học và doanh nghiệp. Kết quả, sau 5 năm hoạt động, các chương trình đã tạo ra cho sản xuất 23 loại giống cây mới và 25 chủng vi sinh, vật nuôi có ưu thế vượt trội so với các chủng giống cũ; 208 công nghệ mới trong đó có 55 công nghệ đã được hoàn thiện và chuyển giao cho sản xuất; 630 quy trình sản xuất mới với 157 quy trình đã hoàn thiện; 161 mẫu máy móc thiết bị mới được tạo ra với 65 mẫu máy đã được hoàn thiện và được ứng dụng trong sản xuất; 321 loại vật liệu mới và tiến hành thương mại hóa được 73 loại sản phẩm… Qua đánh giá, trên 50% các công nghệ và thiết bị do các chương trình tạo ra có tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng tương đương với khu vực; tác động về mặt kinh tế - xã hội của các kết quả được tạo ra từ các đề tài, dự án trong chương trình vượt rất nhiều so với nguồn kinh phí đầu tư, đóng góp đáng kể trong việc nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, tăng năng suất lao động, giải quyết các vấn đề khó khăn do sản xuất đặt ra. Chẳng hạn, chương trình KC06/11-15, đã nghiên cứu, chọn tạo được 8 giống lúa có năng suất cao, thơm, chất lượng tốt kháng được một số sâu bệnh hại. Các giống lúa này đã được nhân rộng lên 100.000 ha sau khi kết thúc nhiệm vụ nghiên cứu, giúp năng suất tăng 50.000 tấn tương đương với 325 tỷ đồng. Hay, Chương trình KC10/11-15, đã sản xuất được vắc-xin Rota sống giảm độc lực, với trình độ tương đương quốc tế nhưng giá thành chỉ bằng 1/3 vắc-xin ngoại nhập, giúp tiết kiệm cho Việt Nam hàng chục tỷ đồng mỗi năm và giảm khoảng 7.000 ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi...
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chụp ảnh lưu niệm cùng các Ban chủ nhiệm Chương trình