Hỏi ông Phạm Hồng Quất, cục trưởng cục Doanh nghiệp và thị trường Khoa học Công nghệ NATEC: “Techfest đầu tiên vùng Đông Nam Bộ có gì đặc biệt nhất?” – ông trả lời ngay, không cần suy nghĩ: “Đó là sự xuất hiện của những nhà đầu tư mạo hiểm tại địa phương”.
Điều này, thực sự là một chỉ dấu quan trọng của sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp nơi đây.
Gia tăng hàm lượng công nghệ cho khởi nghiệp
“Với tinh thần coi doanh nghiệp là một trung tâm trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, chúng tôi mong rằng, các cơ quan nhà nước, sở ngành các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các startup kết nối với các viện, trường đại học để tăng cường hoạt động nghiên cứu, biến ý tưởng thành sản phẩm thương mại” – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đã chia sẻ như vậy tại lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đông Nam Bộ (Techfest Đông Nam Bộ), lần đầu tiên tổ chức tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hôm 23 – 24/9 vừa qua.
Và không chờ đợi đâu xa, dự án khởi nghiệp đoạt giải vô địch của Techfest Đông Nam Bộ chính là minh chứng quan trọng nhất của yếu tố “kết hợp nghiên cứu từ viện trường đến thực tiễn đời sống thông qua doanh nghiệp khởi nghiệp”: “Máy lọc nước biển thành nước ngọt cho tàu cá” của Công ty TNHH Hiệp Lực và Phát triển Việt do giảng viên, thạc sĩ Trần Thái Sơn thực hiện. Đây không phải là dự án mới, mà là sự bền bỉ trong nghiên cứu, thực nghiệm thực tế, không ngừng cải tiến về cả kỹ thuật lẫn mô hình kinh doanh của nhóm các nhà nghiên cứu trẻ này. Sơn bảo: “Tàu cá của xứ mình, ra khơi thì mang theo nước ngọt đủ để uống, nhưng để trong thùng nhựa thì chòng chành và rớt ra những hạt vi nhựa rất độc. Nhưng chạy điện để lọc nước thì là một cơn ác mộng với giới kỹ thuật vì không ổn định điện thì máy hư liên tục. Đó là câu chuyện của 10 năm nay. 10 năm, để chúng tôi dám thương mại hóa hoàn toàn sản phẩm của mình, vì đã thiết kế xong động cơ bằng dầu diesel, ổn định hệ thống lọc nước biển thành nước sạch”. Anh kể, tất cả các loại máy móc, công nghệ liên quan đến chuyện này trên thế giới, anh đều có ở xưởng của mình, và tin rằng giải pháp của mình là phù hợp nhất với ngư dân Việt Nam…
Ông Quất, nói với tất cả sự hào hứng: “Chất lượng các dự án khá tốt, có tính khả thi, tập trung giải quyết vấn đề cụ thể của doanh nghiệp, xã hội; đội ngũ sáng lập viên trẻ, năng động, được đào tạo bài bản; nhà đầu tư địa phương đã bắt đầu quan tâm đầu tư mạo hiểm. Tôi nghĩ, bước tiếp theo, là cần có chuyên gia, cố vấn để định hướng, hỗ trợ nhóm startup xây dựng mô hình kinh doanh hướng đến thị trường lớn hơn; hỗ trợ nhà đầu tư địa phương tiếp cận với các mô hình đầu tư hiện đại.
Bước đệm khởi nghiệp
Trong khuôn khổ Techfest Đông Nam Bộ, ngoài những phiên hội thảo với những bài trình bày quy mô và chuyên sâu về hệ sinh thái lẫn kinh nghiệm của các tỉnh thành khác nhau, thì phần kết nối khởi nghiệp – doanh nghiệp và nhà đầu tư là phần mới mẻ, hấp dẫn nhưng cũng đầy thách thức với ban tổ chức.
31 phiên kết nối startup-doanh nghiệp-nhà đầu tư đã được diễn ra giữa 16 startup, 18 nhà đầu tư, doanh nghiệp. Hơn 155.000USD quan tâm đầu tư, 3 giao dịch hợp tác, 6 hỗ trợ kết nối mở rộng thị trường... Đó chỉ là những kết quả ban đầu, nhưng đầy tiềm năng của một khu vực khởi nghiệp mới, đầy năng động và hào hứng.
Có một điều thú vị nữa, là người siêng năng nhất trong việc tường thuật các diễn biến của Techfest Đông Nam Bộ lần này, thông qua facebook cá nhân của mình, là bà Vũ Hiếu Đông, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng. Nhớ ra, hội giám đốc các Sở KH&CN miền Nam có một sáng kiến liên kết các hệ sinh thái khởi nghiệp vùng Nam Bộ. Nói như ông Nguyễn Thanh Tịnh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu: “không có hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương nào có thể tồn tại độc lập mà cần có sự kết nối chặt chẽ với các hệ sinh thái khởi nghiệp các địa phương trong vùng, giữa các vùng trong nước và giữa trong nước với quốc tế. Đối với các tỉnh/thành phố có nhiều liên kết chặt chẽ và các mối quan hệ bổ trợ lẫn nhau như vùng Đông Nam Bộ thì việc liên kết để cùng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp là vô cùng cần thiết”.