Kỷ yếu Hội thảo “Giải pháp ứng dụng công nghệ trong bảo quản, chế biến rau, củ, quả - Kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã với nhà khoa học”
21/05/2018
310 Lượt xem
Nhằm hạn chế tối đa tổn thất sau thu hoạch của nông sản, nâng cao hiệu quả của sản xuất, ổn định đời sống, thu nhập của nông dân và chủ động ứng phó với những diễn biến của thị trường đối với các nông sản, trong thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ trong bảo quản và chế biến nông sản để giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản của tỉnh như mô hình 06 nhà sơ chế rau an toàn với các trang thiết bị, máy móc sơ chế, bảo quản; mô hình nhà đóng gói sản phẩm trái cây nhãn xuồng cơm vàng tại Hợp tác xã Nhân Tâm, huyện Xuyên Mộc; mô hình nhà máy sấy lúa tại Long Điền; mô hình chế biến ca cao Công ty Thành Đạt xã Xà Bang; mô hình máy sấy đa năng công nghệ đảo chiều (SRA) có thể sấy được nhiều loại nông sản phẩm đặc biệt là hồ tiêu, hiện nông dân huyện Châu Đức đã tự chế khoảng 20 máy, ..v.v.
Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, các nguồn lực chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả; tỷ lệ tổn thất về sản lượng và chất lượng trong và sau thu hoạch đối với rau, củ, quả vẫn còn cao, tập trung ở các khâu thu hoạch, bảo quản và chế biến; tỉ lệ rau, củ, quả được qua chế biến thấp. Một trong những nguyên nhân của tồn tại trên là do sản xuất nông nghiệp phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ, việc tổ chức ứng dụng công nghệ, cơ giới hóa nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch còn nhiều khó khăn. Hiện nay việc thu hái, lựa chọn và bảo quản vẫn tiến hành theo phương pháp thủ công. Công nghệ bảo quản và phương tiện vận chuyển còn thô sơ, chất lượng sản phẩm thấp, giá thành sản phẩm còn cao; đa số nông dân và các cơ sở sản xuất, thu mua đều thu hoạch và mua bán rau quả theo tập quán, không có quy trình bảo quản sau thu hoạch. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm, làm hạn chế khả năng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, người dân rất khó tiếp cận các ứng dụng khoa học công nghệ sau thu hoạch để nâng cao giá trị và chất lượng nông sản, giảm tỷ lệ hao hụt nông sản. Do ứng dụng công nghệ sau thu hoạch yếu nên dẫn đến tình trạng khi dư thừa nông sản người dân không thể chuyển sang chế biến, bảo quản. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều loại nông sản “được mùa - mất giá” khiến cho người nông dân rơi vào cảnh lao đao. Việc ứng dụng cơ giới hóa trong thu hoạch chưa được chú trọng đầu tư dẫn đến thiếu hệ thống bảo quản, thiếu máy móc công nghệ phục vụ chế biến sâu. Thực tế những công nghệ bảo quản nông sản đã được một số doanh nghiệp chế biến nông sản áp dụng nhưng chủ yếu được thực hiện lẻ tẻ, chưa đồng bộ và rộng khắp. Điều này cũng xuất phát từ phương thức canh tác và tiêu thụ nông sản từ lâu nay của người dân, là bán tươi sản phẩm ngay tại ruộng cho thương lái hoặc bảo quản sơ sài tại nhà.
Tỷ lệ rau, củ, quả được sử dụng vào công nghệ chế biến chỉ dừng ở công đoạn sơ chế, chưa có giải pháp công nghệ đồng bộ, hiện đại để chế biến sâu; các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản chủ yếu là xuất khẩu thô, tỷ lệ chế biến tinh rất thấp do chưa chú trọng đến việc đầu tư trang bị các máy móc công nghệ cao để bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, nghiên cứu đổi mới công nghệ, đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất để chế biến sâu rau, củ, quả; đồng thời chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề đa dạng hóa mẫu mã bao bì đóng gói, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Hiện có rất ít đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực chế biến rau, củ, quả vì nhiều rủi ro, ít ưu đãi. Đó cũng là một trong những nguyên nhân giải thích vì sao công nghệ chế biến rau, củ, quả hiện còn nhiều hạn chế. Công nghệ chế biến chậm phát triển. Hiện cả tỉnh có khoảng 180 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm có nguồn gốc thực vật được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và hàng trăm cơ sở có quy mô nhỏ lẻ.
Hơn thế nữa, không những sản lượng rau quả được chế biến còn thấp mà mức độ đa dạng sản phẩm cũng còn rất nghèo nàn như chỉ có lên men dưa cải, dưa chuột, nước ép ca cao đóng hộp, cà phê rang xay, bột ca cao. Một số loại rau quả rất có tiềm năng vì dinh dưỡng cao, diện tích trồng lớn, mùi vị thơm ngon như sầu riêng, bưởi, chuối, thanh long, nhãn,… nhưng vẫn chưa có sản phẩm chế biến trên thị trường. Đây chính là rào cản lớn trong việc cải thiện thu nhập cho nông dân, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, kéo theo giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp luôn thấp hơn tiềm năng và kỳ vọng.
Nhằm góp phần thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong bảo quản và chế biến rau, củ, quả; hướng khoa học công nghệ tham gia giải quyết các vấn đề đang là thách thức của tỉnh về tổn thất sau thu hoạch của nông sản, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản và hiệu quả sản xuất, ổn định đời sống, thu nhập của nông dân, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngày 17/5/2018 Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Hội thảo khoa học "Giải pháp ứng dụng công nghệ trong bảo quản, chế biến rau, củ, quả - Kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã với nhà khoa học"