Lai tạo, chọn lọc thành công 17 dòng/giống lúa triển vọng
23/08/2016
118 Lượt xem
Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Đồng Tháp Mười (Trung tâm) thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam đã tổ chức hội thảo đánh giá 17 bộ giống lúa triển vọng, đồng thời tổ chức tham quan thực tế điểm khảo nghiệm và sản xuất thử tại xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An.
Tham quan thực tế điểm khảo nghiệm và sản xuất thử
tại xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An
Nằm trong nội dung nghiên cứu giống lúa, thời gian qua Trung tâm đã lai tạo, chọn lọc 17 dòng/giống lúa triển vọng, đồng thời triển khai nhiều điểm khảo nghiệm và sản xuất thử như tại huyện Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa (tỉnh Long An), huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh) và các huyện thuộc tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Bạc Liêu…
Theo ThS Hoàng Văn Bằng - Trưởng Bộ môn Di truyền và Nhân giống cây trồng (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Đồng Tháp Mười), hiện Trung tâm đang chú trọng lai tạo và phát triển các loại giống chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu mang lại lợi nhuận cao cho nông dân. Hiện tại, Trung tâm đang trồng thử nghiệm các giống lúa như MNR1, MNR2, MNR3, MNR4, MNR6, MNR7, MNR12, MNR13, ĐTM4-1324, ĐTM1-1324, ĐTM17-1, ĐTM14-258, ĐTM1-122, ĐTM126, ĐTM 4-233, OM 6677, AS996. Hiện đang trong giai đoạn cuối đỏ đuôi và chín, màu lúa đẹp, ước năng suất trên 6 tấn/ha.
Qua phiếu đánh giá và ý kiến trực tiếp của nông dân và đại biểu tại buổi tham quan thực tế cho thấy đã có một số dòng/giống lúa được đánh giá tốt và có triển vọng như ĐTM 126, ĐTM 17-1, ĐTM 1-122, ĐTM 14-285.
Trong đó, theo các ngành chuyên môn và nông dân thì nhóm giống lúa ngắn ngày (85-90 ngày) như ĐTM 126 là rất cần thiết không chỉ ở các huyện thuộc khu vực Đồng Tháp Mười mà còn cho nhiều vùng khác của cả nước, bởi khả năng chịu phèn, hạn chế rầy nâu, hạn chế đạo ôn, lại có năng suất cao, thơm nhẹ mềm cơm, giá bán cao hơn IR50404 khoảng 500 đồng/kg...
Ngoài ra, việc nghiên cứu và phát triển giống lúa có chất lượng tốt như trên không chỉ tạo thuận lợi cho nông dân trong việc bố trí thời vụ, luân canh tăng vụ, đa dạng hóa cây trồng trên cùng một diện tích đất theo cơ cấu lúa Đông Xuân sớm - màu Xuân Hè - lúa Hè Thu, mà còn đảm bảo sản xuất ăn chắc trong điều kiện có lũ hàng năm của vùng Đồng Tháp Mười.