Lạng Sơn: ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất các loại dưa thơm
13/09/2016
130 Lượt xem
Sau một vụ dưa từ 2-3 tháng cho lãi trên 47 triệu đồng trên diện tích 1.000 m2 (2,7 sào); dưa thương phẩm cho năng suất, chất lượng cao; doanh nghiệp, nông dân hoàn toàn có thể sản xuất trong thực tiễn. Đây là những kết quả nghiên cứu thực hiện mô hình trồng dưa ứng dụng công nghệ cao của Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN tỉnh Lạng Sơn (Trung tâm) giai đoạn 2014-2016.
Ông Nguyễn Mạnh Tường - Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Trước thực tế diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do đô thị hóa và công nghiệp hóa, việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang là xu hướng ở nước ta. Trong đó, sản xuất cây trồng trong nhà lưới, nhà kính đang được áp dụng rộng rãi. Trung tâm lựa chọn một số loại cây trong đó có các loại dưa thơm đem vào trồng để nghiên cứu đánh giá sự phù hợp đối với tỉnh Lạng Sơn. Kết quả cho thấy, năng suất, sản lượng cây đạt cao; chất lượng quả tốt; cho lợi nhuận kinh tế gần gấp đôi so với chi phí đầu tư.
Theo đó, từ năm 2014, Trung tâm chọn 7 giống dưa thơm nhập từ Đài Loan (dưa: Ngân Huy, Kim cô nương, Tú Phụng, Thu Hương, Bảo Khuê, Thiên Nữ, Chu Phấn) vào trồng trong nhà lưới, nhà kính và sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt với diện tích 500 m2/vụ. Qua các vụ trồng cho thấy, dưa thơm rất phù hợp sinh trưởng trong điều kiện ứng dụng công nghệ cao. Anh Bế Văn Đức thuộc Trung tâm, đồng thời là cán bộ triển khai cho biết, hệ thống nhà lưới, nhà kính được dựng bằng khung, vòm kết cấu ống thép mạ kẽm; mái lợp plastic; xung quanh xây tường chống chuột, rắn và có lưới nhựa chống côn trùng. Cây dưa được tưới nước và dinh dưỡng bằng công nghệ tưới nhỏ giọt tự động. Nhờ đó, có thể điều chỉnh lượng nước và nồng độ dinh dưỡng cho cây theo mong muốn. Ví dụ, dưa sinh trưởng từ 1-10 ngày cung cấp 1,5 l nước và nồng độ dinh dưỡng là 0,3 EC/ngày/cây; cây sinh trưởng từ 51-70 ngày thì cần 2,5 l nước và nồng độ dinh dưỡng là 2,5 EC/ngày/cây.
Qua 3 vụ trồng cho thấy, các loại dưa thơm trồng trong nhà lưới, nhà kính có thời gian sinh trưởng từ 60-90 ngày. Cây sinh trưởng, phát triển tốt, thời gian ra hoa cái sau trồng từ 29-34 ngày, thời gian cho thu hoạch quả sau khi thụ phấn hoa từ 30-35 ngày. Lợi ích lớn nhất từ công nghệ đem lại là nhà trồng khép kín, hệ thống tưới tự động nên quả dưa sạch bệnh cho giá trị cao. Qua các vụ thu hoạch, 89% số quả đạt giá trị thương phẩm về màu sắc, hình dạng, khối lượng, kích thước quả, ngọt và thơm hơn so với dưa trồng ngoài vườn. Một số dưa cho năng suất cao như dưa thơm Bảo Khuê từ 3,5-4,3 kg/quả, đạt 32,6 tấn/ha; dưa Tú Phụng đạt 30,1 tấn/ha; dưa Chu Phấn đạt 29,4 tấn/ha; dưa Thiên Nữ đạt 27,6 tấn/ha. Về giá trị kinh tế, trong mỗi vụ dưa tổng chi phí đầu tư là 52,7 triệu đồng trên diện tích 2,7 sào; với giá bán dưa sạch trên thị trường hiện nay 40.000 đồng/kg thì thu về 100 triệu đồng; lãi 47,3 triệu đồng.
Để mô hình có thể áp dụng trong thực tế sản xuất, song song với việc nghiên cứu, trồng dưa, Trung tâm còn hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức các cuộc cho người dân tham quan, hội thảo để nắm bắt lợi ích, quy trình, công nghệ sản xuất. Ông Hoàng Văn Ba, thôn Nà Chuông, xã Mai Pha, TP Lạng Sơn cho biết: “Tôi nếm quả dưa lê Ngân Huy trồng trong nhà kính thấy vừa thơm, vừa ngọt và bùi hơn so với dưa lê bà con ta vẫn trồng ngoài vườn. Nếu áp dụng được công nghệ này thì nông dân có thể sản xuất được các loại dưa an toàn ra thị trường bán với giá cao. Tuy nhiên, đầu tư ban đầu tương đối lớn, nông dân cần mạnh dạn và có tiềm lực về kinh tế mới có thể thực hiện”.
Nông dân TP Lạng Sơn tham quan mô hình trồng dưa Bảo Khuê
trong nhà kính nhà lưới tại Trung tâm
Lãnh đạo Trung tâm cho biết thêm, để ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất dưa thơm cần đầu tư ban đầu cho hệ thống nhà lưới, nhà kính là 430 triệu đồng trên diện tích 1.000 m2, doanh nghiệp, người dân hoàn toàn có thể ứng dụng công nghệ vào thực tế bởi kết cấu nhà sản xuất đơn giản; có thể luân canh 2 vụ dưa - 1 vụ màu/năm. Phía đơn vị không ngần ngại việc chuyển giao kỹ thuật, công nghệ sản xuất.