Các nhà khoa học đã phát triển một loại máy ảnh có thể nhìn xuyên qua cơ thể con người để giúp bác sĩ theo dõi các dụng cụ y khoa - được gọi là nội soi - trong các cuộc khám nội.
Cho đến nay, các bác sĩ vẫn phải dựa vào các cuộc kiểm tra thăm dò đắt tiền, như tia X, để theo dõi công việc của họ.
Máy ảnh mới hoạt động bằng cách phát hiện các nguồn ánh sáng bên trong cơ thể, ví dụ như đầu của ống nội soi dài linh hoạt.
Giáo sư Kev Dhaliwal thuộc Đại học Edinburgh, Scotland, cho biết: "Nó có tiềm năng to lớn cho nhiều ứng dụng đa dạng, ví dụ như ứng dụng vừa được mô tả như trên.Khả năng nhìn thấy vị trí của một thiết bị rất quan trọng đối với nhiều ứng dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, khi chúng tôi tiến hành các phương pháp xâm lấn tối thiểu để điều trị bệnh".
Các thử nghiệm ban đầu cho thấy máy ảnh nguyên mẫu có thể theo dõi một nguồn ánh sáng điểm qua lớp mô dày 20cm trong điều kiện bình thường.
Các chùm tia sáng nội soi có thể đi xuyên qua cơ thể, nhưng thường bị phân tán hoặc bật ngược lại các mô và các cơ quan thay vì xuyên thẳng qua. Điều này gây khó khăn để có được một hình ảnh rõ ràng cho biết vị trí của công cụ.
Máy ảnh mới có thể phát hiện các hạt riêng biệt, được gọi là photon.Nó cũng có thể ghi lại thời gian để ánh sáng truyền qua cơ thể, có nghĩa là thiết bị có thể theo dõi chính xác nơi nội soi.Các nhà nghiên cứu đã phát triển máy ảnh mới này để sử dụng tại giường bệnh nhân.
Dự án này do Đại học Edinburgh và Đại học Heriot-Watt của Scotland thực hiện là một phần của Dự án Hợp tác nghiên cứu liên ngành Proteus, đang phát triển một loạt các công nghệ mới để chẩn đoán và điều trị các bệnh về phổi.
Tiến sĩ Michael Tanner, Đại học Heriot-Watt, cho biết: "Yếu tố yêu thích của tôi trong công việc này là khả năng làm việc với các bác sĩ lâm sàng để hiểu được thách thức về chăm sóc sức khoẻ thực tế, sau đó điều chỉnh các công nghệ tiên tiến và các nguyên tắc thường không thể đưa ra khỏi phòng thí nghiệm vật lý để giải quyết các vấn đề thực sự”.