Thông qua nghiên cứu về thực trạng tình hình chuyển giao công nghệ (CGCN) của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) - một trong hai ĐHQG điển hình trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu của cả nước, các tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động CGCN giữa khu vực đại học với các tổ chức và doanh nghiệp (DN) Việt Nam.
Ký thỏa thuận hợp tác CGCN giữa ĐHQGHN và Viện Công nghệ viễn thông
Hoạt động CGCN (Technology Transfer) có vai trò rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy năng lực sáng tạo và nâng cao lợi thế cạnh tranh ở cả cấp độ vi mô và vĩ mô. CGCN có thể được định nghĩa là việc chia sẻ các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, phương pháp sản xuất, công cụ sản xuất… liên quan tới một công nghệ cụ thể giữa hai hay nhiều bên đối tác. Thông qua hoạt động CGCN, các bên đối tác (chẳng hạn giữa các DN với nhau, giữa DN và các cơ sở nghiên cứu, giữa các quốc gia phát triển và quốc gia đang phát triển) có thể cùng được hưởng lợi từ việc tiếp cận, chuyển giao hoặc mua - bán các công nghệ phù hợp với nhu cầu và chiến lược phát triển của mình.
Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam có rất ít nghiên cứu về vấn đề CGCN giữa các đối tác trong nước, đặc biệt là từ các tổ chức nghiên cứu và đào tạo. Điều này quả thực là một thiếu sót lớn bởi Việt Nam có ít nhất trên 1.000 tổ chức KH&CN trong các khu vực nhà nước, tập thể và tư nhân; hàng năm ngân sách nhà nước dành khoảng 2% chi ngân sách cho các hoạt động KH&CN. Trong đó, riêng khối đào tạo và nghiên cứu công lập cấp đại học đã là 149 đơn vị với các nguồn lực không hề nhỏ. Vì vậy, mục tiêu của bài viết này ngoài việc mô tả thực trạng tình hình CGCN của các đơn vị trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu, còn nhằm đưa ra một số giải pháp để thay đổi tình trạng ảm đạm hiện nay về chất lượng CGCN. Trường hợp mà chúng tôi lựa chọn là ĐQHGN, có tính chất điển hình và có nhiều ý nghĩa cũng như khả năng suy rộng kết quả nghiên cứu cho khối các đơn vị đào tạo và nghiên cứu tại Việt Nam bởi 2 lý do sau đây:
Thứ nhất, ĐHQGHN là một trong hai ĐHQG của Việt Nam và theo xếp hạng mới nhất của các tổ chức xếp hạng quốc tế thì ĐHQGHN đứng trong nhóm 191-200 châu Á và đứng thứ nhất Việt Nam1. Điều này sẽ tạo thuận lợi hơn trong việc đánh giá mức độ nhận thức cũng như thực tế các hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và CGCN của các cá nhân và tổ chức, từ đó có cái nhìn chung về các đơn vị đào tạo và nghiên cứu tại Việt Nam. Thứ hai, do là một cơ sở đào tạo và nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực nên trong ĐHQGHN có nhiều trường thành viên khác nhau. Điều này tăng thêm tính đại diện cho các thông tin thu thập được theo lĩnh vực.
Trong khuôn khổ của đề tài nghiên cứu về hiệu quả hoạt động CGCN của ĐHQGHN cho các tổ chức và DN, nhóm tác giả đã thu thập và phân tích các dữ liệu cứng và dữ liệu mềm để đưa ra một số đánh giá có cơ sở thực tế về thực trạng và nguyên nhân chính của những tồn tại trong hoạt động CGCN của ĐHQGHN cho các tổ chức và DN Việt Nam. Trên cơ sở các dữ liệu đó, nhóm tác giả đã tổng hợp và đề xuất một số nhóm giải pháp thúc đẩy hoạt động CGCN của ĐHQGHN cho các tổ chức và DN Việt Nam. Các dữ liệu cho thấy, trong nhiều năm qua, mặc dù có nhiều lợi thế nhưng ĐHQGHN có rất ít hoạt động CGCN. Theo khảo sát thì có tới 162 công nghệ có thể chào bán hay chuyển giao trong giai đoạn 2010-2015, nhưng chỉ có khoảng 54 công nghệ đã được chuyển giao theo hình thức hợp đồng có hoặc không thu phí. Con số thực tế nếu thống kê lại có thể cao hơn con số khảo sát theo mẫu điều tra, nhưng chắc chắn vẫn có sự chênh lệch rất lớn giữa các sản phẩm KH&CN có thể chuyển giao với số được chào và được chuyển giao trên thực tế. Điều này đặt ra vấn đề cấp thiết là ĐHQGHN nói riêng, các trường đại học nói chung phải sớm có các giải pháp cụ thể để thúc đẩy và tăng cường các hoạt động chuyển giao tri thức và công nghệ cho các tổ chức và DN Việt Nam nhằm mang lại “các lợi ích kép” cho các bên tham gia, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu, chất lượng đào tạo và khả năng cạnh tranh của các trường đại học.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu và đánh giá những hạn chế trong hoạt động CGCN của ĐHQGHN, nhóm nghiên cứu đề xuất một số nhóm giải pháp thúc đẩy hoạt động này như sau:
Tạo động lực mạnh thông qua các chính sách và cơ chế có hiệu lực về hoạt động CGCN
Chính sách về quyền tác giả và quyền sở hữu trí tuệ (SHTT): quyền SHTT là động lực cơ bản thúc đẩy nghiên cứu và sáng tạo. Bên cạnh các quy định của Luật SHTT 2005 thì việc công bố chính thức và chi tiết chính sách của ĐHQGHN về quyền tác giả và quyền SHTT đối với từng nhóm sản phẩm KH&CN do các tác giả, nhóm tác giả, đơn vị sáng tạo ra… đóng vai trò quan trọng nhất trong việc tạo động lực thúc đẩy các cá nhân tiến hành các hoạt động nghiên cứu và CGCN, đồng thời giúp tránh được các khiếu kiện không cần thiết liên quan đến tài sản trí tuệ và chuyển giao một số quyền liên quan tới tài sản trí tuệ khi CGCN.
Số liệu khảo sát cho thấy, đa số các đơn vị và cá nhân chưa coi trọng việc đăng ký quyền tác giả nói riêng và quyền SHTT nói chung. Khi phỏng vấn thì đa số nhà KH&CN không nắm rõ nội dung chi tiết của các quyền này vì nhiều lý do chủ quan và khách quan. Điều này cũng đã được thể hiện trong các hợp đồng với điều khoản chung chung viện dẫn việc hai bên sẽ thực hiện các quy định trong Luật SHTT. Việc xác định rõ các giới hạn về quyền nhân thân và quyền tài sản trong quyền tác giả đối với các sản phẩm KH&CN trong các lĩnh vực khác nhau là khá phức tạp và phải dựa vào quy chế và phân chia các giới hạn này theo đóng góp cho sáng tạo của mỗi cá nhân. Song điều cốt lõi là ý tưởng sáng tạo đột phá thông thường đều xuất phát từ những cá nhân có đam mê nghiên cứu. Do vậy, cần tôn trọng tối đa các quyền tác giả và quyền tài sản trí tuệ của cá nhân sáng tạo KH&CN. Nếu một giảng viên dành tâm huyết và công sức trong cả một năm mới sáng tạo ra tên một môn học mới cùng với đề cương chi tiết mới cho một chương trình đào tạo liên ngành mới mà sau đó các đơn vị và giảng viên khác cứ “tự nhiên” sử dụng để kiếm tiền hay kiếm lợi ích thông qua nhiều hình thức thì đó là một thứ vũ khí hủy diệt động lực sáng tạo của giảng viên. Điều này đã và đang diễn ra khá phổ biến tại ĐHQGHN và đã có các tranh chấp về quyền tác giả rất khó giải quyết.
Chính sách đấu thầu rộng rãi các đề tài và dự án sử dụng ngân sách nhà nước: nhiều thành viên nhóm nghiên cứu đã có trải nghiệm thực tế với các “thủ tục xin - cho phức tạp và tốn kém thời gian” khi đăng ký đề xuất ý tưởng sáng tạo và đề tài KH&CN các cấp... Có nhiều nhà KH&CN tham gia ý tưởng và biên soạn đề án, chương trình ngay từ đầu nhưng lại không được mời tham gia đấu thầu các đề tài/dự án trong các chương trình này. Thời gian sẽ trả lời kết quả và hiệu quả của các chương trình đó nhưng có thể dự đoán ngay từ bây giờ là nhiều kết quả của đề tài nghiên cứu ứng dụng và dự án thử nghiệm sẽ khó có thể được chuyển giao và nếu có được chuyển giao thì cũng khó có thể giúp các DN có được các sản phẩm mới và dịch vụ mới cạnh tranh trên thị trường trong nước, nếu như không có các thay đổi trong cách tiếp cận và quản trị các dự án KH&CN liên quan.
Nếu không tổ chức đấu thầu công khai và rộng rãi thì khó có thể thu hút được sự quan tâm của đông đảo giảng viên, các nhà KH&CN trong và ngoài ĐHQGHN, khó có thể lựa chọn được các nhóm có năng lực sáng tạo. Điều này còn dẫn đến việc “xin - cho”, “trao đổi” hay “cảm ơn” giữa các bên khi giao các đề tài liên quan. Hệ quả cuối cùng là hiệu quả các hoạt động nghiên cứu và CGCN nói chung sẽ dừng lại ở mức thấp như hiện nay. Mỗi năm chỉ có khoảng 5 đề tài/dự án được thương mại hóa hay CGCN theo mục tiêu chiến lược và kế hoạch hàng năm.
Cơ chế CGCN: cơ chế chính thức là thông qua hợp đồng và nên đăng ký CGCN thông qua một trung tâm dịch vụ CGCN không vì lợi nhuận (not-for-profit) của ĐHQGHN (có thể gọi là “Trung tâm chuyển giao tri thức và công nghệ”, dạng như trung tâm chuyển giao tri thức đã từng được ĐHQGHN thành lập nhưng không rõ mục tiêu, nguồn lực và cách làm trước đây). Nếu có quy định rõ ràng về cơ chế CGCN gắn với quyền và trách nhiệm của các bên liên quan thì số lượng công nghệ được chuyển giao theo cơ chế chính thức sẽ tăng, chứ không chỉ dừng ở con số tham khảo khá khiêm tốn so với vị thế và năng lực KH&CN của ĐHQGHN. Bên cạnh cơ chế chính thức là chuyển giao thông qua các hợp đồng trực tiếp hay hợp đồng ủy quyền cho “Trung tâm chuyển giao tri thức và công nghệ”, thì các tác giả có quyền chuyển giao thông qua các hợp đồng trực tiếp và cơ chế không chính thức khác khi tự sáng tạo và sở hữu các sáng tạo KH&CN. Trong trường hợp này cần khuyến khích đăng ký thông tin chung về các hợp đồng đã chuyển giao để được tính điểm công trình khoa học hay khen thưởng thành tích…
Quy định về quản trị hoạt động CGCN cho các tổ chức và DN: các ban chuyên trách thuộc ĐHQGHN cần tham khảo các điều luật, dự thảo và đề xuất ban hành một quy định phù hợp về quản trị hoạt động CGCN của ĐHQGHN cho các tổ chức và DN, đồng thời theo dõi để cập nhật và điều chỉnh các quy định đã lạc hậu khi cần thiết. Điều này rất quan trọng bởi đây sẽ là khuôn khổ pháp lý, nêu rõ quyền và nghĩa vụ các chủ thể tham gia nghiên cứu KH&CN, đào tạo và CGCN tại ĐHQGHN.
Chính sách hỗ trợ tài chính không hoàn lại cho các nhóm nghiên cứu ứng dụng có cam kết sẽ CGCN
Bên cạnh các nhóm nghiên cứu cơ bản, nếu muốn có các nhóm nghiên cứu và CGCN thì ĐHQGHN phải có chính sách tài chính hỗ trợ theo hình thức không hoàn lại mà không có bất kỳ ràng buộc nào, kể cả việc chia sẻ quyền tác giả hay quyền SHTT, miễn là kết quả các nghiên cứu công nghệ đó sẽ được chuyển giao thông qua “Trung tâm chuyển giao tri thức và công nghệ”. Điều này làm tăng uy tín thương hiệu ĐHQGHN và tạo thêm nhiều động lực thúc đẩy các nhóm nghiên cứu ứng dụng phát triển.
Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, các nhà KH&CN của ĐHQGHN đều gặp rất nhiều khó khăn trong nghiên cứu. Nhưng nếu không tiếp tục nghiên cứu thì không thể tham gia dạy tốt cho các chương trình đào tạo chất lượng cao như thạc sỹ hay tiến sỹ. Như vậy, bắt buộc phải có nhiều nghiên cứu và chuyển giao để kết nối tốt hơn giữa nghiên cứu với đào tạo và với thị trường, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Tăng cường đầu tư cho các hoạt động PR, truyền thông, marketing nhằm nâng cao độ nhận biết của các tổ chức và DN Việt Nam về các sản phẩm KH&CN chào chuyển giao và các tiềm năng cùng hợp tác nghiên cứu phát triển công nghệ
Số liệu điều tra cho thấy, có đến 23,5% các nhà KH&CN được hỏi trả lời rằng rất khó tiếp cận với nhu cầu thực tế của DN về các công nghệ trong từng lĩnh vực sản xuất và kinh doanh. Theo phỏng vấn trực tiếp thì đa số đều trả lời là khó tiếp cận với nhu cầu đa dạng của gần 500.000 DN Việt Nam. Cá nhân các giảng viên kiêm nhà KH&CN của ĐHQGHN có thể vì bận hay vì thiếu phương pháp, nhưng với một thị trường lớn và số DN Việt Nam liên tục tăng hàng năm với các nhu cầu liên tục đổi mới công nghệ thì đây thực sự là thị trường triển vọng cho các hoạt động CGCN của ĐHQGHN. Vấn đề là phương pháp kết nối các nhà KH&CN và ĐHQGHN với cộng đồng DN theo các nhóm ngành như thế nào và phải làm gì để họ tin tưởng và hợp tác với các nhà KH&CN quen ngồi trong “tháp ngà” hơn là ngoài thương trường.
Tuy ĐHQGHN đã có một số hội thảo, triển lãm công nghệ nho nhỏ nhưng không giúp được gì nhiều cho việc thúc đẩy các hoạt động CGCN vốn đòi hỏi tốc độ và tần suất truyền thông, tiếp thị rất cao. Chính vì vậy, ĐHQGHN cần giao cho một đầu mối thực hiện các hình thức PR, truyền thông, marketing đa dạng nhằm nâng cao độ nhận biết của các tổ chức và DN Việt Nam về năng lực nghiên cứu, năng lực hợp tác nghiên cứu và năng lực chuyển giao các công nghệ tiên tiến trong 3 nhóm ngành công nghệ: quản trị, sản xuất và dịch vụ. Thời gian và tốc độ truyền thông, tiếp thị là rất quan trọng, bởi vì nếu chậm giới thiệu và quảng bá thì chỉ sau 3-5 năm nữa, các công nghệ hiện đại hôm nay sẽ nằm trong ngăn tủ lưu trữ và trở thành lạc hậu.
Mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về quản trị KH&CN và CGCN cho các giảng viên kiêm nhà KH&CN và các nhà quản trị KH&CN để nâng cao nhận thức và mở rộng tầm nhìn về hoạt động CGCN từ trường đại học cho các tổ chức và DN
Trong các báo cáo tổng kết hoạt động KH&CN hàng năm của ĐHQGHN đều nêu lên mặt hạn chế như: nhiều cán bộ quản trị KH&CN chưa được tập huấn và bồi dưỡng nghiệp vụ, khả năng tham mưu và xây dựng kế hoạch chưa tốt; hầu hết các đơn vị còn thiếu cán bộ làm truyền thông KH&CN và đội ngũ làm công tác CGCN… Điều này cũng dễ hiểu vì đa số giảng viên kiêm nhà KH&CN không quen với các giao dịch trên trị trường buôn bán thiết bị và CGCN. Đa số các nhà quản trị KH&CN đều là các nhà khoa học tham gia trực tiếp, gián tiếp hay kiêm nhiệm trong các quy trình quản trị KH&CN các cấp. Các quy trình quản trị theo các quy định thường cố định và ít thay đổi theo môi trường kinh doanh bên ngoài. Hơn nữa, không phải nhà KH&CN nào cũng có thời gian và quan tâm tới việc tìm hiểu các khái niệm, định nghĩa, nội hàm công nghệ, công cụ phân loại, phương pháp đánh giá công nghệ, phương pháp CGCN, tranh chấp về tài sản trí tuệ trong hợp đồng CGCN… Chính vì vậy, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về quản trị KH&CN và CGCN cần được tổ chức định kỳ và thường xuyên để giúp các giảng viên kiêm nhà KH&CN nâng cao nhận thức và mở rộng tầm nhìn về hoạt động CGCN từ trường đại học cho các tổ chức và DN. Bên cạnh đó, nên có các chuyên đề thảo luận về các trường hợp thành công và thất bại cụ thể trong các hợp đồng CGCN để cùng nhau rút ra các bài học kinh nghiệm.
*
**
Phát triển giáo dục và đào tạo, KH&CN luôn được coi là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và là động lực cho phát triển bền vững của Việt Nam. Yếu tố con người, trong đó có các giảng viên kiêm nhà KH&CN luôn là trung tâm của sự phát triển bền vững. Vì vậy, để tránh sự lãng phí các nguồn lực như hiện nay, các nhà quản lý, quản trị các cấp, đặc biệt là các trường đại học cần phải đổi mới căn bản tư duy và tạo dựng ngay môi trường thuận lợi và động lực đủ mạnh để thúc đẩy các hoạt động CGCN từ trường đại học cho các tổ chức và DN. Đặc biệt, qua các bài học kinh nghiệm của ĐHQGHN, các cơ sở đào tạo và nghiên cứu cần có những chính sách cụ thể và cấp thiết hơn về quyền sở hữu trí tuệ, chính sách hỗ trợ tài chính không hoàn lại và việc đầu tư vào các hoạt động PR, marketing đối với các đề tài, sản phẩm KH&CN để đẩy mạnh hơn nữa chất lượng CGCN, tạo điều kiện cho các cá nhân và nhóm nhà khoa học có động lực nghiên cứu, cống hiến nhiều hơn nữa.
Hoàng Đình Phi, Phạm Thị Bích Ngọc
Đại học Quốc gia Hà Nội