Một số yêu cầu về dữ liệu truy xuất nguồn gốc theo TCVN 12850:2019
17/12/2024
8 Lượt xem
Dữ liệu truy xuất nguồn gốc phải bao gồm thông tin để trả lời câu hỏi “ai, cái gì, ở đâu, khi nào và tại sao”. (Ảnh minh họa)
Hiện nay, việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc hiệu quả là biện pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp, tổ chức quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý chất lượng và an toàn sản phẩm; quản lý mối quan hệ tương tác trong nội bộ cũng như với các bên tham gia trong chuỗi cung ứng, minh bạch thông tin và nâng cao uy tín doanh nghiệp.
Theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12850:2019 về Truy xuất nguồn gốc - Yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc, doanh nghiệp, tổ chức phải đáp ứng yêu cầu đối với dữ liệu truy xuất nguồn gốc, cụ thể như sau:
Thứ nhất là yêu cầu về dữ liệu – Tổ chức phải xác định dữ liệu truy xuất nguồn gốc được thu thập bao gồm dữ liệu từ các bộ phận và quá trình khác nhau trong phạm vi truy xuất nguồn gốc đã xác định. Dữ liệu truy xuất nguồn gốc bao gồm dữ liệu về chất lượng và an toàn của sản phẩm;
Dữ liệu truy xuất nguồn gốc phải được tạo ra mỗi khi một quá trình liên quan đến truy xuất nguồn gốc được thực hiện trong tổ chức; Tổ chức phải quản lý toàn bộ dữ liệu truy xuất nguồn gốc của mình và đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc từ đầu tới cuối chuỗi cung ứng trong phạm vi quản lý của tổ chức; Dữ liệu truy xuất nguồn gốc phải bao gồm thông tin để trả lời câu hỏi “ai, cái gì, ở đâu, khi nào và tại sao”.
Thứ hai là yêu cầu về khả năng trao đổi dữ liệu – Tổ chức phải xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc có khả năng đáp ứng nhiều mục đích sử dụng dữ liệu khác nhau; Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải có tính thích ứng và có khả năng nâng cấp; Tổ chức phải đảm bảo hệ thống truy xuất được xây dựng dựa trên một chuẩn chung với các bên tham gia để đảm bảo khả năng tương tác và trao đổi dữ liệu.
Thứ ba là yêu cầu về dữ liệu truy xuất nguồn gốc bên trong tổ chức – Tổ chức phải xác định các sự kiện theo dõi trọng yếu và các phần tử dữ liệu chính trong các quá trình nghiệp vụ nội bộ của mình; Tổ chức phải thiết lập hệ thống thu thập dữ liệu, lưu trữ, chia sẻ bên trong và bên ngoài tổ chức một cách hiệu quả; Mỗi bên truy xuất trong tổ chức phải có khả năng truy xuất ngược trực tiếp tới các bên truy xuất cung ứng đối tượng truy xuất và truy xuất xuôi trực tiếp tới bên tiếp nhận đối tượng truy xuất.
Thứ tư là yêu cầu về dữ liệu truy xuất nguồn gốc qua chuỗi cung ứng – Hệ thống truy xuất nguồn gốc của tổ chức phải có khả năng tương tác và trao đổi thông tin với các bên tham gia trong chuỗi cung ứng; Hệ thống truy xuất nguồn gốc của tổ chức phải truy vấn được dữ liệu ở tuyến trước và tuyến sau của tổ chức. Các chuẩn để định danh, thu thập và chia sẻ dữ liệu truy xuất phải được thiết lập để kết nối giữa các hệ thống khác nhau; Hệ thống truy xuất nguồn gốc của tổ chức phải có khả năng tiếp nhận chuỗi cung ứng phát sinh.
Thứ năm là yêu cầu về quản lý dữ liệu truy xuất nguồn gốc – Tổ chức phải chuẩn bị cho việc lưu trữ dữ liệu khi khối lượng dữ liệu truy xuất nguồn gốc được thu thập tăng dần theo thời gian, bao gồm hoạt động thu thập, lưu trữ và cung cấp quyền truy cập vào dữ liệu.