Nghiệm thu đề tài Nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin quản lý, giám sát tài nguyên ở vườn quốc gia và một số khu bảo tồn thiên nhiên khu vực Tây Bắc...
13/09/2016
133 Lượt xem
Mới đây, nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam do TS Hà Quý Quỳnh chủ trì đã triển khai thực hiện đề tài VT/UD-01/14-15 “Nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin quản lý, giám sát tài nguyên ở vườn quốc gia (VQG) và một số khu bảo tồn thiên nhiên khu vực Tây Bắc bằng công nghệ viễn thám và GIS có sử dụng ảnh VNREDSat-1”.
Đề tài đã ứng dụng các phương pháp nghiên cứu phân tích giải đoán ảnh viễn thám, GIS, khảo sát đo đạc thực địa, bản đồ, phân tích tổng hợp và mô dự báo, công nghệ thông tin; cung cấp các số liệu, tài liệu phân tích đoán đọc ảnh viễn thám phân giải cao (VNREDSat-1, SPOT-5 và Landsat-8), tài liệu khảo sát đo đạc thực địa bổ sung trong năm 2013-2015 và phân tích, đánh giá chuyên gia.
Trong các kết quả nghiên cứu nổi bật của đề tài, các sản phẩm lõi gồm: hệ thống thông tin quản lý, giám sát 2 VQG và 2 khu bảo tồn thiên nhiên vùng Tây Bắc. Bộ dữ liệu ảnh vệ tinh VNRED-Sat1 2 thời điểm của 2 VQG và 2 khu bảo tồn thiên nhiên vùng Tây Bắc. Bộ dữ liệu ảnh vệ tinh Landsat 3 thời điểm của 2 VQG và 2 khu bảo tồn thiên nhiên vùng Tây Bắc. Cơ sở dữ liệu thông tin không gian giám sát 2 VQG và 2 khu bảo tồn thiên nhiên và diễn biến lớp phủ rừng các thời điểm (1990, 2000, 2014) của 2 VQG và 2 khu bảo tồn thiên nhiên. Quy trình công nghệ, hệ thống WEB-GIS quản lý, giám sát VQG và khu bảo tồn thiên nhiên vùng Tây Bắc. Bản đồ diễn biến lớp phủ rừng các thời điểm (1990, 2000, 2015).
Về kết quả ứng dụng, đề tài xây dựng thành công: Bộ các bản đồ về Thông tin không gian của 2 VQG và 2 khu bảo tồn thiên nhiên khu vực Tây Bắc tỷ lệ 1:50.000, mỗi khu gồm 32 bản đồ tỷ lệ 1:50.000 thuộc các nhóm nội dung chuyên sâu như bản đồ thảm thực vật; chỉ số diện tích lá LAI; chỉ số hấp thụ năng lượng FAPAR; bản đồ sinh cảnh sống các loài sinh vật quan trọng; bản đồ nền địa hình; mô hình số độ cao; bản đồ hướng sườn; bản đồ độ dốc... Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin này được phổ biến trên trang WEBGIS http://gisvqg.vast.vn:8086/htqltaybac vàhttp://giskbt.vast.vn:8086/htqltaybac
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được chuyển giao cho 2 VQG: Hoàng Liên và Xuân Sơn; Chi Cục kiểm lâm tỉnh Sơn La; Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thanh Hóa); góp phần hỗ trợ đắc lực cho các nhà quản lý trong công tác quản lý giám sát tài nguyên rừng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý VQG và bảo tồn thiên nhiên khu vực Tây Bắc.
Bên cạnh đó, đề tài còn xây dựng cơ chế khai thác chia sẻ thông tin và tổ chức 2 lớp tập huấn cho cán bộ kỹ thuật của 2 VQG và 2 Khu Bảo tồn thiên nhiên khu vực Tây Bắc cũng như cơ quan kiểm lâm địa phương; soạn thảo 4 cuốn tài liệu hướng dẫn...; công bố 4 bài báo tại hội nghị khoa học toàn quốc, đăng trên tạp chí hhoa học chuyên ngành, xuất bản sách tham khảo.
Với các kết quả đạt được, đề tài đã được Hội đồng nhất trí nghiệm thu và xếp loại xuất sắc tại phiên họp nghiệm thu mới đây.
Chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả trước Hội đồng nghiệm thu