Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật giai đoạn sau thu hoạch nhằm kéo dài thời gian bảo quản quả na
21/04/2025
7 Lượt xem
Quả na là một trong 15 loại quả chủ lực của Việt Nam, năm 2019 chiếm tỷ lệ 2,1% tổng sản lượng cây ăn quả cả nước (Cục chế biến, 2021) và hiện đang được chú trọng phát triển rộng rãi bởi những lợi ích sức khoẻ và giá trị kinh tế mang lại cho người sản xuất. Cây na được trồng ở khắp mọi vùng miền, một số vùng sản xuất na trên cả nước đã được quy hoạch, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa có quy mô lớn và tập trung tại miền Bắc như: Đông Triều - Quảng Ninh (diện tích 791 ha, sản lượng 6.546 tấn), Lục Nam - Bắc Giang (diện tích 1.800 ha, sản lượng 14.000 tấn), Chi Lăng, Hữu Lũng - Lạng Sơn (diện tích 3.600 ha, sản lượng 31.000 tấn), Chí Linh - Hải Dương (diện tích 700 ha, sản lượng 15.000 tấn)... Tại miền Nam, na chủ yếu được trồng tại một số tỉnh như Tây Ninh (diện tích 5.000 ha, sản lượng 50.000 tấn), Bà Rịa Vũng tàu (diện tích 1.700 ha, sản lượng 10.000 tấn).
Trong khi cây na có nhiều tiềm năng phát triển như vậy nhưng nhược điểm là thời gian thu hoạch ngắn, thời vụ chính chỉ tập trung trong khoảng 1,5 tháng vào trung tuần tháng 8 đến hết tháng 9 dương lịch nên gây khó khăn rất lớn trong vấn đề tiêu thụ. Trong khi đó, các công trình nghiên cứu về cận thu hoạch, sau thu hoạch cho quả na trên thế giới chưa nhiều và chưa được chú trọng ở Việt Nam. Thực tế ở các vùng sản xuất na hiện nay ở nước ta, người dân và các doanh nghiệp kinh doanh quả tươi hoàn toàn chưa áp dụng bất kỳ một biện pháp kỹ thuật vào sau thu hoạch đối với quả na nên tỷ lệ thối hỏng, tổn thất còn rất cao (30 - 50% sau 5 ngày), thời gian thương phẩm của quả na sau khi thu hái quá ngắn, thậm chí không thể ổn định chất lượng trong thời gian vận chuyển ngắn, đây cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm khả năng cạnh tranh của quả na ngay trên thị trường trong nước. Đặc biệt, hiện nay để vận chuyển đi xa, người dân thường thu hái khi quả còn qúa non hoặc sử dụng các hoá chất bảo vệ thực vật độc hại nên chất lượng ăn tươi rất kém và không đảm bảo các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả sản xuất và đầu ra cho cây na.
Với sản lượng ngày càng được gia tăng, để hạn chế tổn thất của loại quả này thì ngoài giải pháp chọn tạo giống, rải vụ mang tính cơ bản, việc tìm ra các giải pháp tác động ở giai đoạn sau thu hoạch nhằm tăng khả năng chống chịu với các tác động cơ học đồng thời kéo dài thời gian thương phẩm sau thu hoạch là rất cần thiết. Từ đó giúp giải quyết các vấn đề còn tồn tại, hạn chế về chất lượng và đem lại một mặt hàng có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hơn nữa việc làm này mang tính đón đầu giải quyết đầu ra cho một lượng nguyên liệu rất dồi dào trong tương lai. Đặc biệt, các vấn đề đã nêu ra phía trên cần phải được tiến hành nghiên cứu đầy đủ và thấu đáo.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Đức Hạnh cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Rau quả thực hiện “Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật giai đoạn sau thu hoạch nhằm kéo dài thời gian bảo quản quả na” với mục tiêu đề xuất được biện pháp kỹ thuật trong giai đoạn sau thu hoạch nhằm kéo dài thời gian bảo quản trên 15 ngày, tỉ lệ thối hỏng dưới 10% đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
1. Xác định được thời điểm thu hái quả na vào khoảng 103±1 ngày tính từ khi đậu quả là thích hợp nhất cho việc bảo quản tươi. Từ đó xây dựng được bảng hướng dẫn độ già thu hái phù hợp cho mục đích bảo quản.
2. Đề xuất các giải pháp kỹ thuật cho quá trình bảo quản quả na:
- Xử lý bằng dung dịch NaOCl 100 – 200 ppm trong thời gian 3 phút cho hiệu quả tốt nhất trong việc hạn chế thối hỏng quả na trong quá trình bảo quản.
- Xử lý chống biến màu bằng dung dịch Nature fresh 0,4% và 0,5% trong thời gian 3 phút cho hiệu quả tốt nhất mà không ảnh hưởng đến các chỉ tiêu chất lượng của quả na.
- Sử dụng chất 1-MCP với liều lượng 0,1g/1kg nguyên liệu quả có tác dụng hiệu quả nhất trong việc ức chế sản sinh ethylene từ đó giảm tốc độ chín, kéo dài thời gian bảo quản cho quả na.
- Sử dụng túi LDPE đục lỗ với diện tích 1%, đóng gói 1kg/túi thích hợp nhất cho quá trình bảo quản quả na.
- Xác định được nhiệt độ bảo quản 16±1oC là thích hợp nhất cho quả na. Với điều kiện này, có thể duy trì được chất lượng quả na trong thời gian 15 ngày. Sản phẩm sau bảo quản vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm, có thể tiếp tục lưu thông trên thị trường.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20773/2022) tại Cục Thông tin, Thống kê.