Nghiên cứu hoàn thiện và phát triển quy trình công nghệ nuôi tôm nước lợ hiệu quả cao, bền vững ở Việt Nam
13/12/2024
9 Lượt xem
Nghề nuôi tôm nước lợ nước ta trong những năm qua gặp nhiều rủi ro, trong đó đáng quan tâm nhất là nắng nóng kéo dài, độ mặn tăng cao và dịch bệnh như hoại tử gan tụy cấp, bệnh đốm trắng, bệnh do vi bào từ trùng (EHP) … xảy ra gây thiệt hại lớn cho nghề nuôi. Việc sử dụng hóa chất và kháng sinh trong xử lý môi trường, phòng và trị bệnh vẫn còn nhiều hộ nuôi áp dụng nhưng hiệu quả chưa cao hoặc chưa được đánh giá đầy đủ. Đến nay, đã có một số đề tài nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi tôm bán thâm canh/thâm canh (BTC/TC) nhưng tập trung vào một số khía cạnh kỹ thuật cụ thể.
Trong khuôn khổ nghiên cứu mới, TS. Phan Thanh Lâm cùng các cộng sự tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu hoàn thiện và phát triển quy trình công nghệ nuôi tôm nước lợ hiệu quả cao, bền vững ở Việt Nam” trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2021.
Đề tài hướng đến thực hiện mục tiêu xây dựng các giải pháp kỹ thuật tổng hợp và quy trình công nghệ nuôi tôm nước lợ nhằm giảm thiểu rủi ro, hạ giá thành, nâng cao chất lượng, tăng năng suất và phát triển bền vững.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra tra bổ sung và tổng hợp thông tin từ nguồn thu thập số liệu thứ cấp là cơ sở chính để đưa các yêu cầu kỹ thuật và thông số liên quan vào quy trình kỹ thuật nuôi tôm nước lợ. Kết quả nghiên cứu đã xác định được 23 biến độc lập (là các khâu liên quan đến kỹ thuật canh tác) có tương quan chặt chẽ đến biến năng suất tôm nuôi. Các biến này chia làm 07 nhóm giải pháp cần chú trọng thực hiện trong cải tiến quy trình kỹ thuật nuôi tôm để tăng năng suất và hiệu quả sản xuất. Qua đánh giá tổng quan, tham khảo tài liệu quy trình kỹ thuật nuôi tôm nước lợ, xử lý và phân tích số liệu từ khảo sát điều tra bổ sung, và tham vấn ý kiến các chuyên gia chuyên môn các lĩnh vực liên quan đến nuôi tôm, đề tài đã xây dựng được 05 quy trình kỹ thuật nuôi tôm nước lợ dự thảo lần 4 theo các chỉ tiêu kỹ thuật đề ra để đưa vào thực nghiệm kiểm chứng.
Các tác giả đã triển khai mô hình kiểm chứng quy trình nuôi tôm nước lợ với kết quả thu được khá tích cực. Từ kết quả thực hiện các mô hình kiểm chứng, đề tài đã rà soát và điều chỉnh để hoàn thiện các quy trình kỹ thuật nuôi tôm nước lợ. Các vấn đề rà soát và điều chỉnh tập trung vào: i) thay đổi hệ thống công trình ao nuôi cho phù hợp với điều kiện mới (biến đổi khí hậu, xu hướng phát triển về công nghệ nuôi); ii) lựa chọn con giống và kiểm soát mật độ thả để giảm rủi ro và khuyến khích việc áp dụng hình thức nuôi hai giai đoạn; và iii) tích hợp các giải pháp kỹ thuật quản lý môi trường ao nuôi nhằm giảm thiểu tôm bị bệnh để tăng hiệu quả sản xuất.
Đề tài đã xây dựng được 05 quy trình được công nhận tiến bộ kỹ thuật cấp Bộ, gồm có: i) Quy trình kỹ thuật nuôi tôm sú quảng canh cải tiến (QCCT), với năng suất đạt ≥400 kg/ha/năm và tỷ lệ sống đạt ≥15%; ii) Quy trình kỹ thuật nuôi tôm sú BTC, năng suất đạt ≥3 tấn/ha/vụ và tỷ lệ sống đạt ≥75%; iii) Quy trình kỹ thuật nuôi tôm sú TC, với năng suất đạt ≥5 tấn/ha/vụ và tỷ lệ sống đạt ≥80%; iv) Quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng (TCT) BTC, với năng suất ≥8 tấn/ha/vụ và tỷ lệ sống đạt ≥80%; và v) Quy trình kỹ thuật nuôi tôm TCT TC, với năng suất đạt ≥21 tấn/ha/vụ và tỷ lệ sống đạt ≥80%. %. Các chỉ tiêu kỹ thuật của 5 quy trình đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, đề tài đã hỗ trợ xây dựng 02 mô hình nuôi tôm HTX kiểu mới nuôi tôm sú BTC, tại hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nuôi trồng Thủy sản 30/4 (50 thành viên, tổng diện tích đất nuôi trồng thủy sản của là 90 ha) và tại HTX Thủy sản Toàn Thắng (56 thành viên, tổng diện tích đất nuôi trồng thủy sản của HTX là 91,19 ha). Qua ba năm hoạt động, cả hai HTX đã ghi nhận có sự phát triển cả về mối liên kết dọc và liên kết ngang. HTX đã có xu hướng mở rộng mối liên kết ngang về số xã viên và diện tích canh tác, các hoạt động chung (cùng mua giống, thức ăn, hóa chất, vi sinh) của HTX được mở rộng với nhiều xã viên tham gia và qui mô hoạt động cũng rộng hơn về số lượng và giá trị mối liên kết; trong khi, liên kết dọc với các nhà cung cấp dịch vụ đầu vào và đầu ra cũng có xu hướng phát triển mở rộng về số lượng đối tác, hợp đồng và giá trị hợp đồng.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20363/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.