Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị phân tích liều phóng xạ tích lũy của môi trường có bức xạ hạt nhân, trên cơ sở chế tạo đồng bộ liều kế và thiết bị đọc liều
10/10/2016
121 Lượt xem
Trong thời gian từ tháng 1/2012 - 6/2014, nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học vật liệu, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam do TS. Vũ Phi Tuyến dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị phân tích liều phóng xạ tích lũy của môi trường có bức xạ hạt nhân, trên cơ sở chế tạo đồng bộ liều kế và thiết bị đọc liều”.
Theo kế hoạch phát triển điện hạt nhân của Việt Nam, từ năm 2020 - 2030, dự kiến sẽ xây dựng và đưa vào vận hành hơn 10 tổ máy điện hạt nhân với tổng công suất khoảng 15.000 - 16.000 MW, chiếm khoảng 10% nguồn điện toàn hệ thống. Các nhà máy điện hạt nhân này đã được quy hoạch xây dựng tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Hà Tĩnh và Quảng Ngãi. Ngoài tại các thành phố lớn, còn có các nguồn bức xạ liều cao như máy chụp tia X trong ngành y tế, máy chụp cắt lớp, nguồn phóng xạ trong nghiên cứu. Bên cạnh đó, còn có bức xạ phóng xạ từ các mỏ quặng titan, zircon phân bố tương đối tập trung trong các vùng như Hà Tĩnh, Bình Thuận, dải ven biển từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế.
Mức độ an toàn của những nguồn bức xạ phóng xạ đối với môi trường thể hiện thông qua cường độ bức xạ và mức độ nhiễm phóng xạ trong một thời gian tại môi trường xung quanh nguồn phát. Cho đến nay, việc xác định cường độ phóng xạ tức thời tại một điểm đã được thực hiện khá dễ dàng thông qua một số thiết bị cầm tay thông dụng hay hệ thống quan trắc phóng xạ vẫn đang được lắp đặt. Tuy nhiên, để xác định mức độ nhiễm xạ thì phải đo được liều tích lũy phóng xạ của môi trường trong một chu kỳ thời gian. Thông số này lại không thể được đo chính xác bởi các thiết bị đo cường độ phóng xạ tức thời vẫn đang được sử dụng. Với nhiệm vụ này, Việt Nam mới chỉ dừng ở mức khảo sát đo trên các liều kế tích lũy đơn lẻ, mà chưa có sự kết nối dữ liệu mạng để quản lý tập trung. Vì vậy, sẽ tạo khó khăn trong quản lý và những phát sinh ngoài dự kiến nếu xảy ra sự cố tại một khu vực nào đó trong cả nước.
Thực tế ở nước ta, phương pháp đo liều bức xạ mới chỉ được triển khai chủ yếu tại Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, trên cơ sở các thiết bị đọc liều và liều kế rất đắt tiền do IAEA giúp đỡ và tài trợ. Nhưng nhu cầu phổ cập phương pháp này trong nhiều lĩnh vực như xạ trị, y học hạt nhân, môi trường… là rất lớn. Vì vậy, các nhà khoa học đã thực hiện đề tài nghiên cứu này.
Một số kết quả nổi bật của nghiên cứu:
- Đã chế tạo được vật liệu liều kế đáp ứng đo liều môi trường trên vật liệu CaSO4:Dy với độ nhạy có thể ghi được liều môi trường sau khoảng 3 tháng. Vật liệu này đáp ứng tuyến tính trong dải liều môi trường từ 0.1mSv - 1000mSv.
- Sản phẩm máy đọc liều cho liều kế môi trường đã hoạt động tốt, cho đường tín hiệu tương đối giống khi so sánh với tín hiệu khảo sát trên máy thương mại Harshaw LTD-3500 trong cùng điều kiện. Sản phẩm này cải tiến hơn so với máy thương mại LTD-3500.
- Sản phẩm liều kế môi trường và máy đọc liều chế tạo đã được ứng dụng thử để khảo sát mức độ nhiễm phóng xạ tích lũy môi trường tại tỉnh Quảng Bình và đã nhận được mức độ nhiễm phóng xạ tích lũy trong không khí là 0.42 - 0.61 µSv/h. Kết quả cho thấy mức độ nhiễm phóng xạ tại Quảng Bình nằm trong ngưỡng an toàn.
Sản phẩm của đề tài có thể được triển khai và cung cấp đồng bộ liều kế môi trường cho thị trường trong nước để dần thay thế sản phẩm nhập ngoại.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 11160/2015) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.