Nghiên cứu xây dựng hệ thống nuôi tôm trong nhà theo công nghệ Nhật Bản ở khu vực miền Bắc
21/04/2025
7 Lượt xem
Hiện nay, có nhiều công nghệ nuôi tôm phù hợp với điều kiện cơ sở về vốn đầu tư, diện tích đất, nguồn nước, và trình độ sản xuất. Công nghệ copefloc thích hợp với nơi có sẵn ao lớn (>2500 m2) không có điều kiện chia nhỏ ao cũng như không có điều kiện lót bạt đáy. Trong khi, công nghệ raceway hay biofloc thích hợp với những ao nhỏ (<1000m2) và cần đầu tư nhiều về công nghệ. Trước rủi ro về dịch bệnh do biến đổi môi trường đột ngột, xu hướng đưa nuôi tôm vào trong nhà kính đang được nhân rộng tại các tập đoàn lớn như CP Thái Lan hay Việt Úc Việt Nam. Do nuôi tôm trong nhà kính còn rất mới (tính theo tuổi của công nghệ) nên còn ít nghiên cứu về công nghệ để tăng năng suất và hiệu quả kinh tế của mô hình, đặc biệt là ở miền Bắc. Một trong những ưu tiên cho mô hình nuôi tôm trong nhà là khả năng xử lý nước thải và sử dụng nước tuần hoàn.
Ngoài ra, mùa đông miền Bắc lạnh, nhiệt độ nước thấp, dẫn tới tôm không phát triển. Trong khi đó, vào mùa hè, nhiệt độ cao, nhiệt độ nước cao tới 33°C. Chêch lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn. Cường độ ánh sáng khác nhau theo mùa, ảnh hưởng tới sự quản lý tảo và môi trường nước. Sự thay đổi thời tiết đột ngột vào lúc giao mùa hay gió mùa. Chính vì các điều kiện thời tiết thay đổi liên tục như vậy, việc có một hệ thống ổn định môi trường nuôi trong nhà là rất cần thiết. Công nghệ ISPS nuôi tôm ở miền Bắc là một thách thức tương tự với ở Nhật nơi có mùa đông lạnh dưới 0°C. Sự khác biệt chính là mùa hè ở miền Bắc nóng hơn và nhiều nắng. Vì thế, hệ thống ISPS cần được thiết kế và xây dựng sao cho mùa đông ấm và mùa hè mát và thoáng ở trong. Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu của TS. Lê Việt Dũng tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng hệ thống nuôi tôm trong nhà (ISPS) theo công nghệ Nhật Bản ở khu vực miền Bắc góp phần phục vụ xây dựng nông thôn mới bền vững” trong thời gian từ năm 2020 đến năm 2021.
Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu nghiên cứu ứng dụng thành công công nghệ nuôi tôm ISPS ở điều kiện miền Bắc Việt Nam; và xây dựng thành công mô hình sản xuất tôm sạch bền vững trong nhà trong điều kiện miền Bắc.
Quy trình nuôi công nghệ nuôi tôm trong nhà ISPS trong điều kiện miền Bắc đã được nghiên cứu ứng dụng thành công. Quy trình Hệ thống nuôi tôm trong nhà được thiết kế phù hợp với điều kiện thời tiết và tài chính ở miền Bắc Việt Nam. Hệ thống mái che bằng dây cáp, lưới mắt cáo, nylon và lưới lan có khả năng giữ nhiệt tốt vào mùa đông và cản nắng gắt vào mùa hè. Hệ thống lò hơi cung cấp nhiệt vào những thời điểm lạnh sâu. Hệ thống RAS gồm các thiết bị (lọc lưới micron, hạt lọc nhựa vi sinh, nâng oxy, tách hữu cơ, diệt khuẩn) được chế tạo ở Việt Nam góp phần vào thành công của quy trình. Thiết bị lọc lưới 50 micron tự động xịt rửa có khả năng lọc chất rắn hữu cơ lơ lửng, nổi, và bọt. Hạt nhựa vi sinh (MBBR) được tích hợp vào một bên của bể hai ngăn để phân giải các chất hữu cơ. Thiết bị điện hóa siêu âm vừa tách chất hữu cơ hòa tan, vừa kiểm soát mật độ khuẩn và tảo nằm trong ngưỡng cho phép. Hệ thống nâng oxy tạo vi bọt khí tăng oxy những lúc cần thiết. Quạt nước và sục khí cung cấp oxy, gom chất thải tốt. Thiết bị đo môi trường cầm tay và Hệ thống IoT giúp cập nhật thông số môi trường liên tục ở nhiều ao.
Quy trình nuôi tôm trong nhà sử dụng các vi khuẩn tự dưỡng, vi khuẩn tự dưỡng, vi khuẩn quang dưỡng, tảo cùng với hệ thống lọc sinh học tác động giúp cân bằng các chu trình chuyển hóa nitơ: quang dưỡng, tự dưỡng, và dị dưỡng trong hệ thống. Hệ vi khuẩn có lợi đa dạng được duy trì hoạt động quanh năm, kể cả trong điều kiện nhiệt độ thấp nhờ liên tục bổ sung chế phẩm vi sinh EM, vi khuẩn tía, nấm men và Bacillus.
Quy trình nuôi tôm trong nhà ứng dụng nguyên lý điều khiển hệ vi sinh vật đa dạng bền vững và hệ thống điện hóa siêu âm có tác dụng diệt khuẩn, giúp kiểm soát mật độ Vibrio và tảo lam. Tăng số lượng và chủng loại vi khuẩn có lợi trong hệ thống đã giúp hệ vi khuẩn phát triển theo chiến lược K và hạn chế Vibrio phát triển theo chiến lược r. Hệ thống điện hóa siêu âm có tác dụng diệt khuẩn nước trước khi quay lại ao.
Sau khi triển khai nuôi vụ hè và vụ đông trong hệ thống nuôi tôm trong nhà (ISPS), mô hình đạt tổng sản lượng hơn 10 tấn. Năng suất đạt 54 tấn/ha/vụ. Ban đầu đã thử nghiệm ứng dụng quy trình công nghệ ương nuôi ISPS thành công. Lợi nhuận sau 2 vụ đạt hơn 600 triệu đồng. Chi phí sản xuất trong mô hình vụ hè còn cao so với công nghệ hiện tại đang áp dụng tại cơ sở sản xuất. Mô hình nuôi vụ đông có hiệu quả kinh tế tốt hơn do tỉ lệ sống và sinh trưởng trong hệ thống nuôi tôm trong nhà (ISPS) cao hơn ao nuôi ngoài trời. Cần giảm chi phí sản xuất và tối ưu hóa quy trình công nghệ ISPS hơn trong vụ hè.
Việc tiếp cận công nghệ ISPS là bước tiến lớn trong ứng dụng thành công nghệ nước ngoài vào điều kiện Việt Nam. Mặc dù công nghệ thành công ở Nhật Bản nhưng giá thành sản xuất cao. Vì thế, kết quả đề tài giúp giải bài toán cho cơ sở ứng dụng về giá thành sản xuất và mang lại lợi ích về kinh tế cho cơ sở ứng dụng.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20637/2021) tại Cục Thông tin, Thống kê.