Biến đổi khí hậu (BĐKH) với biểu hiện là sự thay đổi nhiệt độ, lượng mưa và nước biển dâng đang trở thành một vấn đề cấp bách đe dọa sự tồn tại và phát triển của hầu hết các quốc gia ven biển. Mực nước biển đã được nghiên cứu và dự báo là sẽ tăng nhanh chóng ở những thập kỷ tới (Blasco, 1996). Tại Việt Nam, kết quả đo tại Trạm Hải văn Hòn Dáu (thành phố Hải Phòng) cho thấy, mực nước biển đã tăng 20 cm trong giai đoạn từ 1960 đến 2005 và theo dự báo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) thì Việt Nam sẽ là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nhất của nước biển dâng với rất nhiều diện tích đất ven biển bị nhấn chìm (Bộ TN&MT, 2016). Biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng và tồn tại của RNM thông qua các tác động đến xói lở, độ mặn, tần suất ngập triều và tích tụ trầm tích (Donald & Philippe, 2006).
Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên rừng ngập mặn, một số nhà khoa học đã xây dựng mô hình để dự báo xu hướng thay đổi của rừng ngập mặn trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Trên thế giới, các mô hình mô phỏng được xây dựng dựa trên những hiểu biết về lý thuyết sinh thái học và những quan sát thực nghiệm có thể cho phép phát hiện ra những thay đổi trong các hệ sinh thái mà cả lý thuyết sinh thái và các quan sát thực nghiệm đều không thể dự báo một cách chính xác những tác động cụ thể của BĐKH lên các hệ sinh thái (Fischlin, 1991). Do đó, xây dựng các mô hình là phương pháp hữu hiệu nhất để đánh giá và dự báo những tác động của biến đổi khí hậu lên các hệ sinh thái nói chung và RNM nói riêng. Theo hướng dẫn của IPCC (2007), các mô hình mô phỏng các quá trình sinh thái đã được công nhận là công cụ mạnh mẽ giúp hỗ trợ nhận biết diễn biến sự phức tạp của hệ sinh thái và đã trở thành một phương tiện hữu ích trong quy hoạch phát triển vùng.
Ở Việt Nam, các công trình nghiên cứu xây dựng mô hình để dự báo xu hướng thay đổi của RNM ven biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu còn rất hạn chế. Các công trình nghiên cứu chủ yếu về đặc điểm sinh thái, sinh lý và diễn thế sinh thái của rừng. Phan Nguyên Hồng và cộng sự (1991, 1999) đã nghiên cứu về diễn thế sinh thái RNM ven biển Việt Nam, kết quả nghiên cứu cho rằng mỗi một giai đoạn của quá trình diễn thế đều gắn với sự thay đổi về môi trường, về địa mạo, địa chất và thổ nhưỡng. Ở quần xã thực vật nội địa, trong điều kiện môi trường khác nhau, diễn thế diễn ra theo hướng tiến hóa hoặc thoái hóa. Đối với quần xã RNM, hai quá trình này có thể xảy ra trên cùng một vị trí và nối tiếp nhau. Năm 2010, Nguyễn Hoàng Anh đã đề xuất một mô hình sinh thái có thể mô phỏng sự phát triển và diễn thế của RNM dưới ảnh hưởng của các yếu tố môi trường đã được xây dựng dựa trên các công trình nghiên cứu của Botkin, Chen và Twilley, Berger và Hildenbrandt và áp dụng với RNM Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh. Để mô phỏng diễn biến RNM ven biển tỉnh Thái Bình, năm 2014 Nguyễn Thị Kim Cúc và cộng sự đã sử dụng mô hình tăng trưởng của cây RNM ở Cần Giờ của Nguyễn Hoàng Anh (2013), mô hình này được sử dụng và hiệu chỉnh với số liệu đo đạc thực địa, từ đó chuẩn hóa dữ liệu với mô hình.
Các công trình nghiên cứu nêu trên vẫn chưa được nghiên cứu và đánh giá đầy đủ về sự sinh trưởng, thích ứng và xu thế thay đổi của hệ sinh thái RNM trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Hầu hết các công trình nghiên cứu ở Việt Nam về mô phỏng diễn biến của RNM dựa trên các mô hình toán của nước ngoài, khi sử dụng phải hiệu chỉnh và chuẩn hóa dữ liệu mô hình. Do đó, việc xây dựng mô hình dựa trên số liệu đo đạc thực địa và điều kiện tự nhiện tại địa điểm nghiên cứu, từ đó ứng dụng mô hình để dự báo chính xác xu hướng thay đổi hệ sinh thái RNM trong tương lai theo kịch bản BĐKH giúp chúng ta đề xuất những giải pháp quản lý, quy hoạch phù hợp cho từng vùng để giảm thiểu những rủi ro và thách thức đối với sự phát triển của hệ sinh thái RNM.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Chủ nhiệm đề tài PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh cùng nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thực hiện “Nghiên cứu xây dựng mô hình dự báo xu hướng thay đổi hệ sinh thái rừng ngập mặn trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở các tỉnh ven biển Bắc Bộ” với mục tiêu: Xây dựng được mô hình dự báo xu hướng thay đổi rừng ngập mặn trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở các tỉnh ven biển Bắc Bộ; Đề xuất giải pháp bảo tồn và phát triển rừng ngập mặn các tỉnh ven biển Bắc Bộ trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
1. Thực trạng rừng ngập mặn ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình đang có xu hướng biến động diện tích theo xu hưởng giảm trong giai đoạn từ 1997 đến 2020. Đối với RNM ven biển tỉnh Quảng Ninh năm 1997 có 29.000,0 ha, giảm xuống còn 19.600,6 ha vào năm 2020. Đối với RNM ven biển Hải Phòng năm 2013 có 3.889,0 ha giảm xuống còn 2.570,0 ha vào năm 2020. Đối với RNM ven biển Thái Bình năm 2005 có 3.919,0 ha giảm xuống còn 3.727,0 ha vào năm 2020. Đối với RNM ven biển Nam Định từ năm 1997 đến năm 2005 có 2.762,0 ha giảm xuống còn 2.699,0 ha vào năm 2020. Riêng đối với RNM ven biển tỉnh Ninh Bình có xu hướng tăng diện tích nhưng không đáng kể, từ năm 1997 đến 1999 có 600,0 ha đến năm 2020 có 614 ha.
Nguyên nhân của biến động diện tích rừng ngập mặn ven biển, ngoài yếu tố khách quan do tác động của BĐKH làm thay đổi nhiệt độ, lượng mưa, nước biển dâng, quá trình xâm nhập mặn làm thay đổi độ mặn của nước, ảnh hưởng đến các đặc điểm thích nghi của thực vật ngập mặn, còn do nguyên nhân khách quan bởi con người, con người đã có tác động đến HST RNM, thông qua các hoạt động sinh kế của cộng đồng người dân sống tại khu vực ven biển làm suy giảm diện tích cũng như chất lượng rừng ngập mặn. Bên cạnh những mặt đạt được, công tác quản lý và bảo vệ RNM các tỉnh ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình gặp những hạn chế như thiếu cơ chế hỗ trợ chi phí cho cán bộ bảo vệ RNM và chi phí chi trả dịch vụ hệ sinh thái RNM tại địa phương. Đồng thời, sức ép của sự phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển cũng đã ảnh hưởng đến công tác quản lý rừng.
2. Đề tài đã xây dựng được các mô hình toán để dự báo mật độ, đường kính, chiều cao và thành phần loài cây ngập mặn theo kịch bản biến đối khí hậu 2016.
3. Xu hướng chung về sự thay đổi của rừng ngập mặn ven biển Bắc Bộ theo kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường (2016) như sau:
- Rừng ngập mặn có sự suy giảm cả về mật độ, tốc độ tăng trưởng đường kính thân và chiều cao cây; cấu trúc thành phần loài có sự biến động mạnh. Tuy nhiên, sự biến đổi của rừng ngập mặn chưa lớn đến mức hệ sinh thái đặc thù này bị thay thế hoàn toàn bằng một thảm thực vật hay một hệ sinh thái khác hoàn toàn
- Rừng ngập mặn có thay đổi theo 2 xu hướng khá rõ rệt:
+ Xu hướng thứ nhất (như xảy ra đối với rừng ngập mặn tại Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh): rừng ngập mặn bị suy thoái với mật độ cây, tăng trưởng đường kính và chiều cao cây giảm và cấu trúc thành phần loài biến đổi rất lớn.
+ Xu hướng thứ hai (như xảy ra đổi với rừng ngập mặn tại các địa điểm thuộc ven biển đồng bằng sông Hồng): rừng ngập mặn phát triển tương đối ổn định với mật độ cây, đường kính và chiều cao cây giảm nhẹ, cấu trúc thành phần loài có biến đổi nhưng không lớn.
4. Kết quả xây dựng bản đồ phân vùng rừng ngập mặn theo kịch bản biến đổi khí hậu với RCP 4.5 cho thấy, diện tích RNM sẽ bị giảm dưới tác động của độ cao nền đáy và nước biển dâng. Sự thích nghi của cây ngập mặn với đặc tính lý hóa của thể nền là cả một quá trình lịch sử lâu dài, tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ làm thay đổi một số nhân tố sinh thái như độ mặn, thể nền, sự ngập triều, … ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây ngập mặn.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20772/2022) tại Cục Thông tin, Thống kê.
Nguồn: NASATI