Nhà khoa học nữ đầu tiên đoạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu
26/04/2019
238 Lượt xem
Ngày 25/4, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã phê duyệt đề xuất trao tặng Giải chính, Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019 cho ba nhà khoa học được Hội đồng Giải thưởng đề nghị.
Ba nhà khoa học đó là: PGS Phạm Đức Chính, Viện Cơ học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (lĩnh vực Cơ học); PGS Nguyễn Lê Khánh Hằng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (lĩnh vực Y sinh Dược học) và TS Lê Trọng Lư, Viện Kỹ thuật Nhiệt đới, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (lĩnh vực Vật lý).
Đây là năm đầu tiên, Hội đồng giải thưởng đề xuất trao tặng giải thưởng cho các nhà khoa học trong các lĩnh vực Y sinh Dược học và Cơ học. Và đặc biệt, đây cũng là năm đầu tiên có nhà khoa học nữ được trao giải Tạ Quang Bửu.
PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng, hiện là Phó trưởng Khoa Virus, Trung tâm Cúm Quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế. Từ cái chết của một đồng nghiệp sau khi nhiễm virus lây qua đường hô hấp, nhà khoa học nữ quyết tìm nguyên nhân để ngăn chúng thành đại dịch.
PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Bộ Y tế) là nhà nghiên cứu nữ đầu tiên đoạt giải thưởng Tạ Quang Bửu. Ảnh: Thanh Nhàn/Tia sáng
PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng đã thực hiện đề tài "Virus cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1, mối tương tác giữa người và động vật trong giai đoạn 2003-2010". Nhóm nghiên cứu đã áp dụng phương pháp phân tích sự tiến hóa, gia hệ, phân tử của virus phân lập được trên người và gia cầm tại Việt Nam. Sau 7 năm tìm tòi, chị và nhóm nghiên cứu đã tìm ra 34 đột biến dẫn đến sự thích ứng của virus cúm A/H5N1 khi lây nhiễm từ gia cầm sang người.
Nổi bật trong đó là đột biến khiến virus phát triển mạnh trên người tìm thấy ở 20/37 mẫu nghiên cứu, trong khi đột biến này chỉ xuất hiện ở 1/195 mẫu nghiên cứu trên virus ở gia cầm, gợi ý cho sự chọn lọc thường xuyên trong quần thể virus A/H5N1 sau khi gây nhiễm cho con người.
Dựa trên kết quả này, nhóm nghiên cứu hình thành danh sách các đột biến được xác định trong tương tác giữa người và động vật của virus cúm A/H5N1. Kết quả này có giá trị đối với việc giám sát sự tiến hóa của virus trong tương lai tại Việt Nam và trên thế giới.
Nghiên cứu củng cố kết luận virus A/H5N1 lây nhiễm trực tiếp từ gia cầm sang người, chưa có khả năng lây nhiễm từ người sang người; tìm ra mối tương quan về thời gian và không gian giữa sự xuất hiện của virus cúm A/H5N1 ở gia cầm và sự lây truyền của nó sang người. Nghiên cứu này được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín về các bệnh nhiễm trùng The Journal of Infectious Diseases (JID) vào tháng 9/2017.
Trong phiên họp đánh giá giải thưởng ngày 14/4/2019, GS. TS Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng Tạ Quang Bửu 2019, đã nhận định, “nếu so với những năm trước thì năm nay là một năm khó khăn cho việc bỏ phiếu lựa chọn, bởi các ứng viên đều có công trình rất tốt trên các tạp chí hàng đầu trong lĩnh vực của mình”.
Trong số 8 công trình lọt vào chung kết của các ngành Toán, Vật lý, Khoa học trái đất và môi trường, Cơ học, Khoa học sự sống - Y sinh dược học, ba công trình của PGS. TS Phạm Đức Chính, PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng và TS. Lê Trọng Lư đã thuyết phục được Hội đồng giải thưởng bởi đảm bảo được các tiêu chí cơ bản theo quy định: các công trình nghiên cứu xuất sắc, được thực hiện ở Việt Nam và xuất bản trên các tạp chí quốc tế có uy tín; nhà khoa học được đề cử phải là người có đóng góp quan trọng nhất vào công trình đó; công trình được lựa chọn cần có ít nhất 2/3 số phiếu chấp thuận.