Hiện có khoảng 100 triệu mảnh rác bao gồm vệ tinh cũ, các thiết bị khoa học và mảnh vỡ tên lửa bay ở quỹ đạo Trái đất. Để dọn dẹp đống rác này, Nhật Bản đã phóng một tàu hàng làm vệ sinh.
Tàu hàng này của Nhật mang tên Stork có một đuôi khoảng 700 m, làm bằng nhôm và thép sợi.
Khi cái đuôi này vẫy trong từ trường Trái đất, nó sẽ tạo ra một lực điện đủ mạnh để làm giảm tốc độ của các mảnh rác, đẩy chúng ra khỏi quỹ đạo, hướng về phía khí quyển. Một khi đi vào khí quyển Trái đất, những mảnh rác này sẽ bốc cháy.
Tuy nhiên, việc dọn dẹp rác trên quỹ đạo Trái đất chỉ là mục đích phụ và mang tính thử nghiệm của Stork. Nhiệm vụ chính của Stork là mang đồ tiếp tế cho Trạm không gian quốc tế (ISS).
Hãng tin BBC cho biết, rác trên quỹ đạo bắt đầu tích tụ hơn 50 năm qua kể từ năm 1957 khi Liên Xô cũ phóng vệ tinh Sputnik.
Vấn nạn rác trên quỹ đạo ngày càng tồi tệ hơn khi một số nước thử các vũ khí chống vệ tinh, bắn vỡ nhiều vệ tinh, tạo ra nhiều mảnh vụn. Một số mảnh vụn đang bay với vận tốc lên đến 28.000 km/giờ, đe dọa an toàn cho các vệ tinh truyền thông.
Trong thời gian qua, đã có rất nhiều thử nghiệm dọn dẹp rác trên quỹ đạo Trái đất. Các nhà khoa học đánh giá cao nỗ lực của phía Nhật vì nếu thành công, nó sẽ giảm rủi ro cho ngành công nghiệp không gian trị giá hàng tỷ USD. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, công nghệ này của Nhật cũng chỉ dọn được những mảnh rác lớn.