Nông dân ứng dụng công nghệ xây dựng sản phẩm OCOP
22/04/2023
58 Lượt xem
Nhiều nông sản địa phương như nghệ, dừa nước… được doanh nghiệp, người dân ứng dụng công nghệ trong chế biến, đạt chứng nhận OCOP giúp tăng giá trị.
Trong số 600 gian hàng triển lãm sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tại TP HCM ngày 21/4, có khoảng 200 sản phẩm OCOP (chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm) thu hút khách tham quan.
Ông Trần Văn Thuần, 53 tuổi, ngụ xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu mang đến triển lãm các sản phẩm chế biến từ nghệ, được cấp chứng nhận chuẩn OCOP 4 sao năm 2021. Từ một vùng nguyên liệu quy mô nhỏ, trồng nghệ chủ yếu làm gia vị, ông đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất lên 10 ha, tăng sản lượng chế biến lên 1 - 1,5 tấn tinh bột nghệ mỗi năm.
Ông Trần Văn Thuần giới thiệu sản phẩm tinh bột nghệ đạt chuẩn OCOP 4 sao tại triển lãm ngày 21/4. Ảnh: Hà An
Không có chuyên môn về ngành thực phẩm, ông tự học hỏi và xây dựng quy trình sản xuất từ trồng, chăm sóc, chế biến các sản phẩm từ nghệ. Sản phẩm của ông dưới dạng bột nguyên chất và viên nén nghệ kết hợp mật ong (tỷ lệ 70% nghệ và 30% mật ong). Từ tinh bột nghệ xay mịn, ông phát triển sản phẩm dạng viên kết hợp với mật ong ứng dụng công nghệ sấy nhiệt đối lưu bằng đèn hồng ngoại ở 45 độ C, khử khuẩn tia UV. "Công nghệ này giúp giữ được các chất và màu nguyên bản của nghệ", ông Thuần nói.
Ông chia sẻ, chứng nhận OCOP ngày càng được nông dân và người tiêu dùng biết đến nhiều. Khi có chứng nhận, nông dân được tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại miễn phí, giúp quảng bá sản phẩm. "Đây là cơ hội để phát triển nguồn khách hàng và kênh phân phối trong giai đoạn đầu khởi nghiệp", ông Thuần nói.
Cũng phát triển sản vật địa phương, nhóm khởi nghiệp tại TP HCM đã ứng dụng công nghệ chế biến thực phẩm từ mật quả dừa nước tại huyện Cần Giờ. Các sản phẩm từ mật dừa nước gồm tinh chất mật, mật dừa nước cô đặc và đường đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
Lê Thị Kim Hằng, thành viên nhóm chia sẻ, dừa được nông dân massage bằng tay trên cuống để lấy mật. Một quả dừa nước có thể thu 0,7 lít trong một ngày, sau 30 ngày có thể tiếp tục massage để lấy mật. Hiện nhóm có vùng nguyên liêu khoảng 10 ha dừa nước, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động là nông dân. Sản phẩm của nhóm đã thương mại tại một số siêu thị lớn của TP HCM và đang tìm kênh kết nối để xuất khẩu sang nước ngoài.
Sản phẩm mật dừa nước được giới thiệu tại triển lãm. Ảnh: Hà An
Triển lãm sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP do Hội Nông dân TP HCM phối hợp với các đơn vị tổ chức hàng năm nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của nông dân đến người tiêu dùng.
Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) do Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan thực hiện với mục tiêu phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. OCOP xếp hạng từ 1 đến 5 sao với bộ tiêu chí về điều kiện sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu, chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ, quảng bá và xúc tiến thương mại, câu chuyện sản phẩm... Ở tiêu chuẩn cao nhất 5 sao, sản phẩm đạt chất lượng đáp ứng chuẩn quốc tế.