Phát triển cây mãng cầu xiêm theo hướng VietGAP tại xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai
13/09/2016
208 Lượt xem
Với nhiều điều kiện để phát triển cây mãng cầu xiêm theo hướng bền vững, đến nay xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ đã xây dựng thành công mô hình mãng cầu xiêm theo tiêu chuẩn VietGAP.
Là người đi tiên phong trong việc duy trì và phát triển cây mãng cầu xiêm theo hướng an toàn, bền vững, ông Lưu Văn Hổ - Tổ trưởng Tổ hợp tác mãng cầu xiêm ấp Tân Hạnh (xã Xuân Bảo) đã có thâm niên gần 10 năm gắn bó với cây mãng cầu xiêm. Theo ông Hổ, vùng đất Tân Hạnh gần với khu vực Long Khánh, nên có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp để phát triển cây mãng cầu xiêm. Nhờ đó, trái mãng cầu ở đây rất đặc trưng, với vị thơm ngon mà khó có ở khu vực nào sánh kịp.
Để phát triển cây mãng cầu xiêm theo hướng sạch, an toàn và nâng cao giá trị kinh tế, ngay từ năm 2012, chính quyền địa phương đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xây dựng mô hình mãng cầu xiêm theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, Tổ hợp tác đã có 7 hộ được chứng nhận VietGAP, trên diện tích 8,5 ha.
Nhờ phát triển theo hướng sạch, an toàn, nên trái mãng cầu của Tổ hợp tác luôn bán được giá cao, mang lại nguồn thu nhập khá cho bà con. Trung bình giá dao động trên dưới 30.000 đồng/1 kilogam, thời điểm đầu mùa giá bán còn có thể cao hơn.
Mô hình đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP
“Với 300 cây đã trên 8 năm tuổi, mỗi cây có năng suất trung bình gần 1 tạ quả/năm, hàng năm gia đình tôi cũng có nguồn thu nhập vài trăm triệu đồng, sau khi đã trừ đi các khoản chi phí”, ông Hổ phấn khởi cho hay.
Theo ông Hổ, hồi xưa vùng này rất nhiều mãng cầu xiêm và cho năng suất rất cao, nhưng do người dân “tham lam” để trái nhiều nên chỉ được vài vụ là cây mãng cầu “kiệt sức”, thoái hóa và không còn ra trái được nữa. Chính vì vậy, nhiều hộ đã chặt bỏ để chuyển qua cây trồng khác, đến nay chỉ còn vài hộ theo được cây trồng nay với diện tích khoảng chục hécta.
Để duy trì diện tích mãng cầu xiêm còn lại trên địa bàn, đồng thời phát triển theo hướng an toàn, bền vững, cán bộ khuyến nông đã tổ chức tập huấn kỹ thuật thường xuyên cho bà con nhằm nâng cao cách phòng trừ sâu bệnh hại. Bên cạnh đó, nông dân cũng phát triển năng suất cây vừa với độ tuổi và khả năng sinh trưởng phát triển, mà không “bắt ép” cây tăng năng suất, nhờ đó cây mãng cầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và giữ được tuổi thọ lâu.
“Mỗi lứa hoa mình chỉ để vừa số quả cho phù hợp với độ tuổi của cây và có thể chia nhỏ ra thành nhiều lứa trong năm thì cây mới phát triển hiệu quả được, không bị sâu bệnh”, ông Hổ chia sẻ về kinh nghiệm duy trì vườn mãng cầu của mình.
So với cây trồng khác, hiệu quả kinh tế mà cây mãng cầu xiêm mang lại không thua kém, thậm chí còn cao hơn, bởi cây mãng cầu 3 tháng là cho thu hoạch một lứa.
Riêng về sâu bệnh hại trên cây mãng cầu, chủ yếu là rệp sáp, nên nông dân có thể sử dụng thuốc sinh học để phòng trừ, bảo đảm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo ông Hổ, trồng mãng cầu xiêm mấy năm đầu nông dân chưa thể có ngay nguồn thu nhập, bởi phải mất khoảng 4 năm tuổi cây mãng cầu mới bắt đầu cho quả bói. Vì vậy, nông dân có thể trồng xen với bơ, sầu riêng để tăng thu nhập. Muốn cây nhiều quả, khi cây phát triển khoảng 1 m đem cắt bỏ ngọn để cây ra nhiều tán thì thân cây sau này mới to, quả ra trên thân cây mới nhiều.
Để phát triển bền vững cây mãng cầu xiêm, thời gian tới Tổ hợp tác sẽ tiếp tục duy trì theo hướng VietGAP, đồng thời mở rộng diện tích để có thể đủ sản lượng liên kết với hệ thống siêu thị nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.