Kháng kháng sinh hiện được xem là vấn đề nghiêm trọng vì tác động lớn đến hiệu quả điều trị, làm gia tăng chi phí chăm sóc y tế và tạo thêm gánh nặng xã hội. Theo ước tính, đến năm 2050, kháng kháng sinh sẽ dẫn đến 10 triệu ca tử vong mỗi năm nếu không có sự can thiệp phù hợp.
Một trong những giải pháp giúp giảm tình trạng này là phát triển các phương pháp chẩn đoán nhanh, kịp thời và chính xác để hỗ trợ đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả. Vì vậy, PGS. TS Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tại Bệnh truyền nhiễm thuộc trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã ứng dụng công nghệ mới để phát triển kit chẩn đoán nhanh tình trạng này. Kỹ thuật PCR giọt kỹ thuật số khuếch đại acid nucleic mới được ứng dụng để phát triển kit truy tìm gene kháng kháng sinh (ARG) của trực khuẩn mủ xanh.
Trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas aeruginosa là loại vi khuẩn gây ra nhiều bệnh nhiễm trùng cấp và mãn tính. Vi khuẩn này đã được chứng minh là nguyên nhân số một gây viêm phổi và suy hô hấp. P. aeruginosa cũng là một trong sáu nhóm loài thuộc danh sách mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra, có khả năng đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng do đa kháng thuốc.
Kit chẩn đoán gene kháng thuốc được phát triển từ kỹ thuật PCR giọt kỹ thuật số, có độ nhạy và độ chính xác cao với khả năng định lượng vi sinh ngay cả khi mẫu bệnh phẩm có nồng độ vi sinh rất thấp. Qua đó có thể phát hiện nhanh sự hiện diện của các gene kháng kháng sinh ngay trên mẫu lâm sàng.
Hiện nay, để kiểm tra bệnh nhân có kháng thuốc hay không, các bác sĩ phải sử dụng phương pháp nuôi cấy vi khuẩn. Theo đó, vi khuẩn được cho tiếp xúc với kháng sinh đang dùng để điều trị. Nếu vi khuẩn bị ức chế, chứng tỏ thuốc điều trị phát huy tác dụng. Nếu phản ứng ngược lại, tình trạng kháng thuốc xuất hiện. Phương pháp này mất khoảng hai ngày mới cho kết quả. Trong khi đó, kit chẩn đoán của PGS. TS. Hoài cho kết quả ngay lập tức trên mẫu lâm sàng. Trên thế giới chưa có nghiên cứu nào ứng dụng phương pháp này.
Kỹ thuật mới có thể được áp dụng rộng rãi trong tương lai, mang lại lợi ích to lớn trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh nhân bị kháng kháng sinh. Tuy nhiên, cần tiến hành nhiều nghiên cứu và thử nghiêm trước khi đưa vào ứng dụng trong cộng đồng.