Thay đổi phương thức phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0
19/01/2018
221 Lượt xem
Bài toán này được đặt ra tại Hội thảo khoa học về Phát triển thị trường KH&CN do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) tổ chức sáng 18/1/2018.
Tham dự Hội thảo có GS.TS Hoàng Văn Phong, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN; Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN; Ông Yunxiang Gu, chuyên gia cao cấp Sàn giao dịch công nghệ Trung Quốc; Lãnh đạo Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp KH&CN; Lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN; Đại diện lãnh đạo Sở KH&CN, viện, trường, trung tâm ươm tạo, chuyển giao công nghệ, sàn giao dịch công nghệ các tỉnh, thành phố.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, một trong những phương thức thúc đẩy thị trường KH&CN là phát triển tổ chức trung gian kiểu mới. Hiện tại, Việt Nam có hơn 20 cơ sở ươm tạo hỗ trợ hoàn thiện ý tưởng, công nghệ gắn kết với các viện nghiên cứu, trường đại học, 07 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 20 khu làm việc chung, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn gồm Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ. Đây là mô hình khá mới trên thế giới và hoàn toàn mới ở Việt Nam, đang hoạt động tương đối hiệu quả trong việc đem đến những hỗ trợ toàn diện và tập trung hơn cho doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ.
Trong 5 năm trở lại đây, công tác phát triển hệ thống các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, sàn giao dịch công nghệ vốn được xem là tổ chức quan trọng trong hệ thống và là nền tảng cho hoạt động tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ, đánh giá khoa học, định giá công nghệ chưa thực sự thể hiện được vai trò cốt lõi. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra với vai trò trung tâm của công nghệ số đặt ra cho chúng ta nhiều câu hỏi về mô hình, phương thức hoạt động, cơ cấu tổ chức… của sàn giao dịch công nghệ.
Mặc dù đạt được những kết quả nhất định nhưng công tác phát triển thị trường KH&CN vẫn còn gặp những khó khăn. Ông Phạm Đức Nghiệm – Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN cho biết, đến thời điểm hiện tại, phát triển thị trường công nghệ của Việt Nam còn rất nhiều nút thắt, rào cản, khó khăn cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện các khung pháp lý về mặt thể chế cũng như định hướng phát triển thị trường KH&CN. Hiện tại, chúng ta chưa có các sàn giao dịch công nghệ quốc gia một cách đúng nghĩa, các hoạt động của sàn còn chưa hiệu quả như kỳ vọng, sàn giao dịch công nghệ là một chủ thể của định chế quan trọng của thị trường KH&CN.
Theo đó, các chuyên gia nhận định, kết nối cung cầu công nghệ là một trong những lời giải cho bài toán phát triển thị trường công nghệ hiện nay. Từ việc xác định nhu cầu công nghệ của các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành/ lĩnh vực và nắm bắt thông tin, chúng ta đã xác định được gần 2.000 loại công nghệ tiềm năng ở trong và ngoài nước phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, trong năm 2016 - 2017 đã hỗ trợ kết nối thành công 21 hợp đồng hợp tác chuyển giao công nghệ, biên bản ghi nhớ. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động Techmart, Techmart online trong 2 năm 2016 – 2017, sàn đã cung cấp thông tin cho hơn 500 yêu cầu về công nghệ và thiết bị, tư vấn doanh nghiệp ký kết thành công hợp đồng chuyển giao công nghệ trị giá hơn 158 tỷ đồng.
Ông Cố Vân Trường, chuyên gia cao cấp Sàn giao dịch công nghệ Trung Quốc chia sẻ đối với các sàn giao dịch công nghệ ở Trung Quốc, Chính phủ giúp thành lập, xây dựng mô hình cho sàn giao dịch Trung Quốc hoạt động, không cấp kinh phí mà giao việc cho sàn giao dịch. Ở Trung Quốc có 29 sàn giao dịch tại các địa phương, 29 sàn giao dịch này không vận hành và kinh doanh giống nhau, các sàn này không liên kết mà hoạt động độc lập và cạnh tranh lành mạnh.
TS. Bùi Văn Quyền – nguyên Cục trưởng Cục Công tác phía Nam cho rằng, để phát triển các sàn giao dịch công nghệ cần xây dựng bổ sung chính sách có tính đặc thù, đặc biệt là kinh phí cho hoạt động và chi tiêu tài chính; đào tạo đội ngũ chuyên nghiệp và năng động; tạo lập mạng lưới dịch vụ ở các địa phương, đổi mới mô hình hoạt động theo kịp với thực tiễn quốc tế và trong nước, đổi mới trong đánh giá, lựa chọn kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, công nghệ có khả năng thương mại.
Theo Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN