Phương thức trồng lúa mới giúp giảm 35% khí thải methane
24/07/2024
141 Lượt xem
Ít ai biết rằng trồng lúa là nguồn phát thải khí nhà kính lớn thứ hai sau chăn nuôi. Giống như chăn nuôi, trồng lúa cũng tạo ra lượng lớn khí methane (giữ nhiệt trong khí quyển mạnh hơn cả CO2).
Áp dụng phương thức canh tác truyền thống, nông dân thường làm ngập ruộng để ngăn sâu bệnh tấn công lúa cũng như ngăn cỏ dại sinh trưởng lấy đi chất dinh dưỡng trong đất. Tuy nhiên làm vậy tạo điều kiện cho sinh vật kị khí sinh sôi giải phóng methane.
Nhu cầu gạo - lương thực đang nuôi sống hơn 3,5 tỉ người - ngày càng tăng cao, đây cũng là mặt hàng đóng góp lớn cho nền kinh tế nhiều nước nên ngừng trồng lúa hoàn toàn bất khả thi. Thay vào đó, các công ty khởi nghiệp như Rize tìm kiếm phương thức canh tác mới ít phát thải hơn.
Một số nghiên cứu cho thấy tưới nước và để khô luân phiên (AWD) có thể giúp giảm tới 50% lượng khí thải methane thay vì làm ngập ruộng. Với phương pháp này ruộng trước tiên vẫn được làm ngập, nhưng sau đó tháo nước đi để ruộng khô hoàn toàn.
Giới chuyên gia cho biết khi ruộng khô, rễ cây lúa phát triển mạnh hơn để tìm nước. Khi có nước trở lại cây tăng trưởng mạnh cho năng suất cao. Phương thức này cũng tăng tính bền vững trong canh tác, trồng lúa dùng ít nước hơn.
Mới đây, công ty khởi nghiệp Rize (Singapore) chỉ dẫn cho nông dân Đông Nam Á một phương thức trồng lúa giúp cắt giảm lượng khí thải methane AWD, đồng thời hỗ trợ tài chính lắp đặt đường ống nước lẫn cơ sở hạ tầng liên quan. Đổi lại công ty thu thập được dữ liệu từng khu vực nhằm xác định cách tiếp cận nào mang lại hiệu quả cho nông dân, AWD tác động ra sao đến quá trình tăng trưởng lẫn năng suất của lúa.
Theo Rize, AWD khi áp dụng thực tế giúp giảm 35% lượng khí thải methane, 20% lượng nước sử dụng, tăng thu nhập của nông dân lên 30%. Thống kê này chứng tỏ trồng lúa bền vững cũng có thể mang lại lợi nhuận.
Theo ông Dhruv Sawhney, Giám đốc điều hành của Rize, sản xuất 1 bát gạo cần hơn 200 lít nước ngọt, toàn bộ ngành lúa gạo chiếm hơn 1/3 lượng nước tưới tiêu toàn cầu. Điều đó cho thấy rõ, chúng ta cần phải áp dụng phương pháp canh tác bền vững.